Ngành đường sắt ‘lên đời’ nhờ gói 7.000 tỷ đồng 'đại phẫu' hạ tầng

Ngành đường sắt sẽ tăng năng lực thông qua gồm tăng số chuyến, số toa kéo khi dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Bắc-Nam với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Những hầm đường sắt xuống cấp sẽ được cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những hầm đường sắt xuống cấp sẽ được cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 giúp tăng năng lực thông qua đoàn tàu và cải thiện chất lượng dịch vụ đối với khách đi tàu.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), các dự án này đều tập trung xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến…

“Hiện nay, dự án cầu yếu, đã triển khai thi công ngoài hiện trường 4 gói thầu xây lắp, sản lượng trung bình đạt khoảng 40-50% khối lượng theo hợp đồng; 6 gói thầu xây lắp chính về đường, ga của dự án Hà Nội-Vinh đã ký kết hợp đồng, khởi công và triển khai thi công tại hiện trường. Tuy nhiên, 3 gói xây lắp cầu đường sắt bị chậm so với tiến độ đặt ra do ảnh hưởng bởi bão lũ và dịch COVID-19 khu vực miền Trung,” đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công ngoài hiện trường, bù đắp tiến độ bị chậm trước đây do ảnh hưởng liên tục bão lũ khu vực miền Trung, phải dừng thi công.

Theo tính toán của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) việc thi công gói dự án trên sẽ giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến Bắc-Nam khoảng 30% so với hiện nay.

Cụ thể, đường sắt hiện nay có thể thông qua 17 đôi tàu/ngày đêm nhưng khi thi công toàn tuyến với khoảng 52 điểm chạy chậm, tại những vị trí yết hầu chỉ thông qua được khoảng 11,4 đôi tàu/ngày đêm.

“Tổng công ty sẽ phối hợp với chủ đầu tư triển khai dự án một cách nhanh nhất vì hệ thống hạ tầng đường sắt chính là ‘sát sườn’ kinh doanh của đơn vị,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói.

[Chủ tịch Đường sắt: 'Khó nhất là thay đổi tư duy và nhìn nhận xã hội']

Nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn chạy tàu là mục tiêu số một, ông Minh cho rằng ngành đường sắt không đặt mục tiêu tăng tốc độ chạy tàu nhưng tốc độ chạy tàu có thể tăng lên ở một số khu đoạn do kết cấu hạ tầng đường sắt (ray, hầm, cầu yếu, đường ke ga mở rộng và kéo dài giúp tránh tàu, tăng năng lực thông qua) được cải thiện hơn so với trước.

Theo ông Minh, nếu bỏ ra 10.000 tỷ đồng làm toàn bộ khu đoạn mới tăng tốc độ chạy tàu thì tăng được khoảng 10%. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian giữa 11 tiếng với 10 tiếng hiệu quả kinh tế không mang lại, chi phí lại quá lớn nên VNR tính toán tăng năng lực thông qua.

Cụ thể, đường sắt sẽ tăng số chuyến, số toa kéo (giảm chi phí thấp vì chỉ cần điều chỉnh kéo dài đường ga từ 350m hiện nay lên 450m, mở ga tránh tàu tiết kiệm thời gian chờ, tăng số chuyến bằng cách lập ga mới trong khu gian dài) thì tàu khách sẽ kéo được từ 13 toa tăng lên 18 toa và tương ứng với tàu hàng từ 19 toa container kéo lên được 25 toa container, nâng hiệu quả về mặt kinh tế.

Đưa ra dự kiến phục hồi, ông Minh cho rằng các kịch bản đưa ra cũng sẽ thay đổi do chưa biết diễn biến dịch COVID-19 khi nào mới kiểm soát, chưa kể với việc thi công gói dự án 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến.

“Có thể thấy năm 2021 đường sắt không có dư địa, chỉ khi nào thi công gói dự án hạ tầng trên hoàn thành, khả năng thông tàu khách và hàng hóa tăng lên thì mới có dư địa và tạo ra thặng dư. Ngành đường sắt nhanh mất 3-4 năm mới khôi phục,” người đứng đầu VNR nói./.

Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm 4 gói, gồm:

Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng.

Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục