Ngành giao thông huy động đầu tư dự án BOT, BT, PPP

Theo Vụ trưởng-Trưởng Ban Đối tác công tư (PPP)-Bộ Giao thông vận tải, ngành đang tập trung huy động vốn đầu tư các dự án BOT, BT, PPP.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng-Trưởng Ban Đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngành đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các dự án theo hình thức BOT, BT, PPP trên nhiều lĩnh vực.

Hiện Bộ Giao thông vận tải  đang quản lý 56 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng, gồm 14 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 34 dự án đang triển khai thi công, các dự án còn lại sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.

Trong số này, có 21 dự án trọng điểm trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ14 đang được triển khai đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, các dự án BOT hoàn thành thi công trong năm nay như đoạn tránh thành phố Biên Hòa; cầu Đồng Nai; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Quốc lộ18 Uông Bí-Hạ Long; Quốc lộ10 đoạn cầu Tân Đệ-La Uyên) và Dự án đầu tư theo hình thức BT Quốc lộ20 Dầu Giây-Bảo Lộc đang được gấp rút triển khai thi công.

Đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức PPP như Dầu Giây-Phan Thiết; Ninh Bình-Thanh Hóa-Bãi Vọt (Hà Tĩnh); đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận… hiện gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn do có chi phí đầu tư cao và đòi hỏi phải có khoản góp của nhà nước để đảm bảo tính khả thi của dự án. Tương tự với các lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường sông chưa huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa có các chính sách và phương thức hoàn vốn…

Trước mắt, để giải quyết những vướng mắc này, Bộ tập trung đẩy mạnh các dự án BOT trọng điểm trên Quốc lộ1 và Quốc lộ 14 (dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên) đang triển khai đầu tư, đôn đốc hoàn thành các thủ tục bao gồm giấy phép đầu tư và ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng; có giải pháp về vốn giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án… Các dự án BOT có khả năng hoàn vốn cao sẽ được ưu tiên đầu tư.

Đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức PPP sẽ thực hiện theo phương án phân kỳ đầu tư, tập trung giai đoạn đầu với quy mô hai làn xe. Cùng với đó, Ban PPP nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách về hình thức đầu tư này trong ngành Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải cũng khuyến khích áp dụng phương án hoàn trả các dự án BT hạ tầng giao thông bằng khai thác quỹ đất, kinh doanh các dự án khác kết hợp phát triển kinh tế của địa phương.

Với mục tiêu xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, Bộ chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư BOT, PPP; kiện toàn các tổ chức huy động vốn, xây dựng trang Website xúc tiến đầu tư và các chính sách có liên quan như đường bộ cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn vay (trái phiếu Chính phủ, ODA…), Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện thu phí hoặc bán quyền thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn trả vốn vay.

Đối với cảng biển sẽ thu hút đầu tư từ nguồn cho thuê quyền khai thác các cảng biển đã được nhà nước đầu tư, từ nguồn vốn tư nhân và cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhà ga tại các cảng hàng không, các dịch vụ hàng không được đầu tư bằng vốn xã hội hóa…/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục