'Ngành giao thông khó khăn, cần có giải pháp liệu cơm gắp mắm'

Đại biểu quốc hội: Trong khó khăn, cần có giải pháp 'liệu cơm gắp mắm'

Vấn đề mà một số đại biểu quan tâm không phải là vấn đề chi phí giao thông, điều quan trọng nhất là làm sao thu hút được sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào để phát triển hạ tầng.
Đại biểu quốc hội: Trong khó khăn, cần có giải pháp 'liệu cơm gắp mắm' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: TTXVN)

Đăng đàn trả lời phiên chất vấn ngày (4/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thế đã nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn và tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Hầu hết các câu hỏi được đưa ra đều tập trung vào vấn đề trạm thu phí (giá) BOT và vai trò của Bộ Giao thông trong việc giải quyết hài hòa các dự án này.

Báo VietnamPlus đã tổng hợp lại một số ý kiến của đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 4/6.

[Bộ trưởng Giao thông giải đáp nghi vấn thất thoát ở một số dự án BOT]

- Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long): Có thể nói những vấn đề mà các Bộ trưởng đã được lựa chọn trả lời chất vấn tại nghị trường quốc hội mỗi một kỳ họp đều là vấn đề nóng, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm. Cho nên không có lĩnh vực nào, không có Bộ trưởng nào là không nhận được sự quan tâm và đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, thời gian dành cho mỗi Bộ trưởng chỉ có hạn và số đại biểu quan tâm thì cũng nhiều. Ví dụ như sáng nay, đã có 40 chất vấn với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về các lĩnh vực liên quan đến ngành giao thông.

Đúng là chúng ta chia sẻ với ngành giao thông. Tức là nhu cầu thì rất lớn và muốn kinh tế phát triển thì rõ ràng giao thông phải đi trước. Nhưng trong bối cảnh ngân sách chúng ta có hạn, vốn trung hạn thì cũng phân bổ rồi và nhu cầu thì nhiều.

Còn về BOT thì nhà đầu tư chủ yếu đầu tư vào những chỗ có khả năng thu hồi vốn cao. Hơn nữa, nếu trong bối cảnh hiện nay thì các nhà đầu tư cũng cân nhắc đầu tư theo BOT để tránh sự phản ứng của người dân đối với việc đặt các trạm BOT. Như vậy ngành giao thông đang đứng trước nhiều cái khó. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có giải pháp “liệu cơm gắp mắm” thôi.

Đại biểu quốc hội: Trong khó khăn, cần có giải pháp 'liệu cơm gắp mắm' ảnh 2Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong bối cảnh khó khăn như vậy thì những con đường nào, những công trình nào mà chúng ta đã khởi công, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của một vùng nào đó thì ngành giao thông vận tải tập trung phân kỳ để đầu tư vào công trình đó. Trong trường hợp này phải cuốn chiếu, đặt ra lộ trình, mục tiêu ưu tiên và giải quyết lần lượt.

Thứ hai, với những cung đường khác, công trình khác chưa có vốn mà đã xuống cấp rồi thì cũng phải có nâng cấp. Ngoài quỹ bảo trì đường bộ thì có lẽ Bộ Giao thông thông Vận tải cũng chủ động tìm thêm các nguồn vốn khác để nâng cấp để đảm bảo việc tham gia giao thông bình thường của người dân, phục vụ cuộc sống hang ngày của người dân.

- Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Trong phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, số lượng các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn so và số lượng các đại biểu đặt câu hỏi tranh luận rất nhiều. Điều này cho thấy, các đại biểu chưa hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng.

Nếu như Bộ trưởng trả lởi thẳng vào nguyên nhân thực tế của nó. Ví dụ, vấn đề nóng hiện nay là BOT, nguyên nhân vì sao xảy ra trường hợp này, đâu là lỗi do tổ chức quản lý, chỗ nào là do lỗ hổng về mặt luật pháp… và phần trả lời tập trung cho các vấn đề trên thì các đại biểu và cử tri sẽ cảm thấy phía Bộ đã nhìn thẳng vào vấn đề và chỉ ra được giải pháp và sẽ không có nhiều tranh luận như vừa qua.

Có thể thấy, hiện nay, chi phí vận tải, logistics cao, nguyên nhân do hệ thống giao thông của chúng ta không đồng bộ, đặc biệt là sự không đồng bộ giữa hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt…. còn đang phát triển chênh lệch, việc này làm cho tính kết nối không cao dẫn đến chi phí giao thông đang dồn vào một khâu nào đó.

Đồng thời, nguồn ngân sách đầu tư cho giao thông còn hạn chế, việc này cần huy động đầu tư xã hội theo hình thức PPP, trong thời gian vừa qua, khi sử dụng hình thức này đã để xảy ra những khiếm khuyết, bức xúc đây là một điều để chúng ta cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Đại biểu quốc hội: Trong khó khăn, cần có giải pháp 'liệu cơm gắp mắm' ảnh 3Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Vấn đề chất vấn trên hội trường về BOT rất nóng, nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề mà một số đại biểu quan tâm không phải là vấn đề chi phí giao thông, nếu chỉ đề cập đến chi phí giao thông, logistics… thì ở đây chúng ta mới đang nhìn thấy vấn đề hạn hẹp về BOT.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần có chính sách để phát triển hạ tầng, để phát triển kinh tế. Làm sao thu hút được sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào để phát triển hạ tầng.

Thực tế, nếu không có hạ tầng thì các tế bào kinh tế của cơ thể chúng ta không có dinh dưỡng, cái đó là cái quan trọng nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục