Ngành giao thông vận tải: Ưu tiên bán cổ phần cho người lao động

Bất kỳ doanh nghiệp nào tiến hành cổ phần hóa khi bán được cổ phần đầu tiên là phải giải quyết chế độ cho người lao động và sau đó là trả nợ các đối tác và ngân hàng.
Ngành giao thông vận tải: Ưu tiên bán cổ phần cho người lao động ảnh 1Tàu Vinalines vận chuyển hàng. (Ảnh: shipspotting)

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành cổ phần hoá khoảng 30 doanh nghiệp đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, tái cơ cấu Vinaline, SBIC là vấn đề lớn được bàn tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các tổ chức tín dụng… Nhưng điều quan trọng nhất chính là bản thân các doanh nghiệp phải tự đàm phán với tổ chức tín dụng trên nguyên tắc khoanh nợ, giãn nợ và kiến nghị Chính phủ xóa một phần nợ lãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Hoàn thành định giá doanh nghiệp vào tháng Mười

Tại buổi họp báo quý 3/2014 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 7/10, liên quan đến việc tái cơ cấu Vinalines, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện các Công ty tư vấn đang xác định lại giá trị doanh nghiệp. Nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 10/2014 sẽ hoàn thành xong việc xác định lại giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hoá để trình Chính phủ phê duyệt. 

Trong phương án cổ phần hoá sẽ có các giải pháp cụ thể như giải thế hoặc phá sản doanh nghiệp bởi đây là những doanh nghiệp không còn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vì đội tàu quá kém, hoặc là hỏng hóc nhiều, nếu hoạt động trở lại phải đầu tư quá lớn.

Ưu tiên giải quyết chế độ người lao động

Việc được quan tâm nhất là giải quyết chế độ cho các lao động đang làm việc ở 5 doanh nghiệp mà Vinalines giải thể sẽ như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Chính phủ cho Vinalines bán và hiện đã bán được trên 90% các tàu, số tiền bán được đầu tiên là giải quyết các quyền lợi cho người lao động và sau đó là trả nợ các đối tác và ngân hàng theo đúng quy định của Nhà nước. 

Trong đó, việc giải quyết cho người lao động sẽ được Vinalines ưu tiên, đảm bảo quyền lợi, đặc biệt ở các doanh nghiệp giải thể, cụ thể ở đây là: Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Thương mại xăng dầu đường biển; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ; Trung tâm Phát triển nhân lực Hàng hải Đông Nam Á; Công ty cổ phần Phát triển cảng Bến Đình Sao Mai.

Theo đó, Vinalines sẽ giải quyết cho người lao động bằng ba hình thức thanh toán hết một lần, để người lao động tiếp tục làm việc hoặc giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm cho họ. 

“Bất kỳ doanh nghiệp nào cổ phần hóa khi bán được cổ phần đầu tiên là phải giải quyết chế độ cho người lao động như trả một lần, chế độ hưu trí hoặc đóng Bảo hiểm xã hội. 

Hiện, Vinalines các chế độ này được giải quyết đầy đủ. Tất cả các phương án trên sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm nay và các đơn vị liên quan sẽ làm việc cụ thể,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Vinalines: Được thực hiện bán nợ và chuyển nợ thành vốn góp 

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khoản nợ của Vinalines đã được ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất và xem xét việc bán nợ cho Công ty mua bán nợ DATC. Bên cạnh đó, các ngân hàng như Vietinbank; ACB; TPBank; VietA bank… đang cân nhắc các khoản đầu tư của Tổng Công ty để chuyển nợ thành vốn góp.

“Số nợ của Vinashin trước kia chuyển sang cho Vinalines đã được xử lý. Tổng Công ty đang chủ động làm việc việc với các tổ chức tín dụng và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh nợ, giãn nợ trong vòng 3 năm và hiện đang tiến hành các thủ tục để cổ phần hóa trong năm nay để tiến hành cổ phần hóa ngay vào quý 1/2015,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tiết lộ.

Đề cập đến tái cơ cấu SBIC, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, SBIC cơ bản đã giải quyết xong tái cơ cấu tài chính trong và ngoài nước. Hiện, Tổng công ty đang tiến hành cổ phần hóa.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa cảng biển, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép cổ phần hóa tất cả cảng biển trên cả nước. 

“Những cảng lớn, chúng ta đang thực hiện Nhà nước nắm giữ trên 51%, cảng nhỏ sẽ bán hết. Bộ Giao thông Vận tải đang giao Vinalines xây dựng kế hoạch. Hiện đã cổ phần hóa xong 9 cảng biển,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói./.

Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành bám sát các nội dung cụ thể của Đề án tái cơ cấu Vinalines để chỉ đạo, hỗ trợ Vinalines triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, khả thi.

Về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines tiếp tục thực hiện việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án đã được duyệt.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục