Ngành hải quan nói gì chuyện giữ hay bỏ quy định nhập khẩu ôtô

Lãnh đạo hải quan cho rằng, cần xem xét lại nghiêm túc những điều kiện trong thông tư 20 để đáp ứng những yêu cầu hiện tại.
Ngành hải quan nói gì chuyện giữ hay bỏ quy định nhập khẩu ôtô ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mục tiêu kiềm chế nhập siêu ôtô bằng Thông tư 20/2011/TT-BCT theo đánh giá của đại diện Tổng cục Hải quan là "cần nhiều giải pháp hơn." Ngoài ra, lãnh đạo cơ quan này cũng cho rằng, cần xem xét lại nghiêm túc những điều kiện trong thông tư 20 để đáp ứng những yêu cầu hiện tại.

Trả lời phóng viên VietnamPlus chiều 11/8, ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đưa ra con số thống kê, kể từ khi thông tư 20 có hiệu lực năm 2011, số lượng xe ôtô nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống về Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm đầu nhưng hiện đang tăng khá nhanh.

Cụ thể, năm 2011, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam khoảng 28.000 xe, trong 2 năm tiếp theo, con số này là khoảng 11.000 xe và 12.000 xe. Tuy nhiên, theo ông, tới năm 2013, số liệu thống kê đã tăng lên tới 29.000 xe, năm 2015 thậm chí còn tăng hơn nữa với khoảng 49.000 xe.

"Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã lên con số khoảng 20.000 xe," ông Hải lên tiếng.

Những thống kê trên theo ông cho thấy, mục tiêu kiềm chế nhập siêu vẫn cần nhiều giải pháp hơn. Nhắc tới một số ý kiến cho rằng, lượng xe nhập khẩu tăng lên thì số thuế thu được cho ngân sách cũng tăng, ông Hải không phủ nhận định này nhưng theo ông, về lâu dài thì nguồn thu ổn định phải từ chính sự phát triển của đất nước.

Với yêu cầu trong thông tư đòi các thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, ông Hải cho rằng, đây là "cả vấn đề" với người kinh doanh. Tuy vậy, đây cũng là điều kiện theo ông để người dùng có thể có được sự chăm sóc, bảo hành sản phẩm tốt.

Một vấn đề gây tranh cãi về thông tư thời gian gần đây là gian lận thương mại nếu bỏ thông tư 20. Một số ý kiến trước đó cho rằng, nếu không nhập chính hãng, các đơn vị kinh doanh có thể khai giá thấp so với giá thực tế để "né" thuế. Đây là vấn đề cũng được đại diện ngành hải quan không loại trừ.

Vấn đề theo ông Hải là thông tư 20 đã hết hiệu lực từ 1/7 và hiện đã hơn 1 tháng. Trong thời gian chờ, theo ông Hải, cơ quan chức năng vẫn thực hiện theo quy định khi chưa có văn bản khác. Những góp ý về thông tư này theo ông đã được phía hải quan gửi lên Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ.

Theo ông, mỗi văn bản ra đời vào một thời điểm nhất định và đã thực hiện được sứ mệnh của thời điểm đó. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, các giải pháp cũng cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

"Nên xem xét nghiêm túc những điều kiện đã nêu trong thông tư 20," đại diện ngành hải quan lên tiếng.

Ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) góp ý với thông tư 20.
Thông tư 20/2011/TT-BCT yêu cầu thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Thương nhân cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Thông tư áp dụng từ năm 2011 và chính thức hết hiệu lực vào 1/7/2016. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục