Ngành lưu trữ Việt Nam: 75 năm bảo tồn và phát huy Di sản Tư liệu

Trong lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, ngành lưu trữ Việt Nam đã gìn giữ di sản tư liệu quốc gia và thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngành lưu trữ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngành lưu trữ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong nhiều năm qua, ngành lưu trữ Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngành đã chủ động triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngày 25/12, lễ kỷ niệm 75 năm ngành lưu trữ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của công tác lưu trữ và phát huy giá trị của tư liệu.

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 3 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C-VP nhấn mạnh giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với phương diện kiến thiết quốc gia. Sau này, ngày 3/1 cũng được chọn là Ngày Lưu trữ Việt Nam.

Ngành lưu trữ Việt Nam: 75 năm bảo tồn và phát huy Di sản Tư liệu ảnh 1Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết lưu trữ chính là gìn giữ thông tin thời đại này cho thế hệ tương lai. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hiện nay, Lưu trữ Việt Nam là một trong 160 thành viên loại A trên tổng số 1.693 thành viên của Hội đồng Lưu trữ Quốc tế (International Council on Archives). Về hợp tác song phương, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho rằng: “Xây dựng lưu trữ số chính là sứ mệnh của ngành lưu trữ trong bối cảnh Chính phủ điện tử. Đó là cách gìn giữ cho thế hệ tương lai những thông tin, tài liệu số đang ghi lại bối cảnh văn hóa, xã hội, chính trị thời kỳ hiện tại.”

Trả lời phóng viên VietnamPlus, ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ kế hoạch tiếp tục mua bản quyền và phổ biến những tài liệu lưu trữ từ các cơ quan nước ngoài, như phim tài liệu, sách báo,… nhằm mang tới cho công chúng, các nhà nghiên cứu, sinh viên một nguồn tư liệu tham khảo phong phú.

Tham dự lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị to lớn của công tác văn thư, lưu trữ.

“Đây là nguồn thông tin gốc phản ánh một cách toàn diện đầy đủ, chân thực mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, của một quốc gia, một địa phương, một cơ quan, tổ chức,” Thứ trưởng cho biết.

“Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, các cán bộ lưu trữ cần tiếp tục đóng góp, cống hiến để hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức bộ máy để thực hiện tốt công tác lưu trữ, phát huy những giá trị tài liệu lưu trữ, đưa tài liệu đến gần hơn với đông đảo quần chúng và đời sống xã hội,” ông nói thêm.

Nhân dịp này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ mang chủ đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong tài liệu lưu trữ.”

Ngành lưu trữ Việt Nam: 75 năm bảo tồn và phát huy Di sản Tư liệu ảnh 2Trưng bày giới thiệu đến công chúng những mộc bản quý và một số tài liệu lưu trữ có nội dung về Quốc hiệu và Kinh đô của nước ta từ thời Hùng Vương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trưng bày giới thiệu đến công chúng những mộc bản quý (Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn) và một số tài liệu lưu trữ có nội dung về Quốc hiệu và Kinh đô của nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay. Đây là những tư liệu lịch sử, bằng chứng thể hiện khát vọng, ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Triển lãm được trình bày ngắn gọn nhưng vẫn nổi bật những dữ kiện lịch sử quan trọng như thời gian của các triều đại, niên hiệu của các vị Vua, năm lên ngôi và quốc hiệu.

Đáng chú ý trong triển lãm là Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI (ngày 2 tháng 7 năm 1976) có chữ ký của Tổng bí thư Trường Chinh, trong đó nêu rõ: “Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục