Ngành nông nghiệp: Vẫn thiếu một quy hoạch mang tầm vóc sản xuất lớn

Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), phải nhìn nhận vấn đề của ngành nông nghiệp trên cơ chế thị trường, không để quy hoạch theo ý chí chủ quan bởi vấn đề quyết định là quan hệ cung-cầu.
Ngành nông nghiệp: Vẫn thiếu một quy hoạch mang tầm vóc sản xuất lớn ảnh 1Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bên lề Quốc hội khóa 13 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất hiện nay chính là việc Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trong phiên trả lời chất vấn vào ngày mai (11/6).

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương đã trao đổi với VietnamPlus những vấn đề nổi cộm hiện nay của ngành nông nghiệp cũng như sự kỳ vọng của cử tri vào người đứng đầu ngành nông nghiệp.

- Câu chuyện "được mùa mất giá" và ách tắc hàng nông sản thời gian qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho người sản xuất cũng như uy tín của các sản phẩm nông nghiệp, vậy đây có phải là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch không thưa ông?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Theo tôi không thể trách người nông dân được, người nông dân có khả năng lao động cần cù và sản xuất rất tốt.

Đơn cử như bây giờ thị trường đang cần một loại sản phẩm nông nghiệp nào đó thì người nông dân sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhưng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta thiếu quy hoạch tổng thể và quyết tâm thực hiện quy hoạch tổng thể đó với tầm nhìn chiến lược và bám sát của nhu cầu thị trường quốc tế.

Cho nên hiện nay các địa phương đều có quy hoạch nhưng quy hoạch đó chỉ mang tính địa phương, cục bộ, chưa kết nối được với địa phương khác trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì chưa là khâu nối các quy hoạch với nhau để chúng ta có được một quy hoạch mang tầm vóc sản xuất hàng hóa lớn.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ chúng ta đang định hướng sản xuất lúa chất lượng cao nhưng chỉ có một huyện làm thôi thì sản phẩm đó sản xuất ra không đủ cung cấp hoặc đủ để xuất khẩu cũng như không đủ tạo nên một thương hiệu, vậy thì cần phải có một tỉnh, một vùng sản xuất để tạo ra một lượng lớn hàng hóa, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó. Vẫn còn tình trạng địa phương nào làm theo kiểu của địa phương đó nên quy hoạch bị phá vỡ.

- Thực hiện quy hoạch đã bất cập, trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng việc hội nhập sâu sẽ làm ngành nông nghiệp bị tổn thương nhiều hơn, vậy chúng ta đã nhìn thấy vấn đề nhưng có cách nào để vượt qua không?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi vẫn nghĩ nền nông nghiệp của Việt Nam rất có tiềm năng, nếu được tổ chức tốt, có chính sách tốt thì vẫn có thể vượt qua được những khó khăn trong quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế trong thời gian tới và có thể đứng vững ngay trên sân nhà.

Theo tôi có mấy vấn đề cần giải quyết, thứ nhất là vấn đề quy hoạch tổng thể để phát huy được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương một. Tiếp đến cần nâng cao trình độ quản lý của chính quyền địa phương trên từng vùng lãnh thổ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, cần có chính sách để gắn kết doanh nghiệp với người nông dân, đây là vấn đề cốt lõi bởi suy cho cùng Nhà nước không làm thay cho nông dân được, không làm thay doanh nghiệp được mà phải gắn kết được bằng lợi nhuận, lợi ích.

Muốn giải quyết bài toán này thì về phía người nông dân phải có chính sách để sản xuất có lãi. Phía doanh nghiệp cũng vậy, để khi họ kinh doanh nông nghiệp cũng phải có lãi và doanh nghiệp và người nông dân đều có lợi thì họ sẽ liên kết với nhau, nếu không sẽ không bao giờ bắt nhịp với nhau được.

Chính các nhà doanh nghiệp là cầu nối để thúc đẩy phát triển trong nông nghiệp còn người nông dân sẽ suy nghĩ trên luống cày của họ, nếu có lợi họ sẽ làm và làm rất tốt.


- Qua bài học cũng như cách giải quyết về ách tắc hàng nông sản thời gian qua của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo ông đâu là cách giải quyết căn cơ vấn đề trên?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Thực ra, vấn đề này đang vướng về cơ chế, cụ thể ở chỗ trong việc quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành, cùng một vấn đề, cùng một sản phẩm thì lại do nhiều cơ quan bộ ngành, chính quyền địa phương cùng tham gia quản lý.

Ví dụ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hay vấn đề xuất khẩu hàng hóa nông sản phẩm thì liên quan đến nhiều Bộ, cho nên cơ chế phối hợp ngang cấp (giữa các Bộ với nhau) theo tôi hiện nay vẫn chưa có cơ chế quy định thật rõ ràng cụ thể, mà chỉ nằm trong những điều luật này, điều luật khác, khi có các vấn đề thì Chính phủ đứng ra điều tiết.

Trong khi đó, để thực sự tổ chức có hiệu quả như một số quốc gia đã và đang làm thì chúng ta phải có cơ chế quy định thành văn bản luật hoặc dưới luật để khi một vấn đề liên quan đến chức năng của nhiều bộ thì giao cho một bộ chủ trì, các bộ khác phối hợp và một Phó Thủ tướng phụ trách và nếu xảy ra chuyện gì thì có người đứng ra chịu trách nhiệm.

Ví dụ như sản phẩm của chúng ta không xuất khẩu được, dưa hấu, vải, cao su không đi qua cửa khẩu được dù là chúng ta có nhu cầu thì phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.

- Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, những mặt hàng xuất khẩu được đều nằm trong quy hoạch, chỉ có những sản phẩm nằm ngoài quy hoạch mới bị ách tắc, theo ông chúng ta phải làm thế nào để thực hiện đúng quy hoạch?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Theo tôi giờ chúng ta phải nhìn nhận vấn đề trên cơ chế thị trường, chúng ta quy hoạch nhiều khi theo ý chí chủ quan của chúng ta còn vấn đề quyết định là quan hệ cung-cầu.

Nếu như nhà nhập khẩu có nhu cầu thì dù có quy hoạch hay không có quy hoạch thì vẫn xuất được hàng hóa, ngược lại nếu họ không có nhu cầu thì dù chúng ta có quy hoạch thì cũng chẳng xuất được, còn nếu nói như vậy thì tôi chưa hẳn đồng tình.

Ngành nông nghiệp: Vẫn thiếu một quy hoạch mang tầm vóc sản xuất lớn ảnh 2Người dân Thanh Hà, Hải Dương đang chăm sóc cho vụ vải thiều sắp tới (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy theo ông, để sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh thì về mặt Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như thế nào trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi nghĩ cần phải học tập một số nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới hiện nay, đó là phải tổ chức lại sản xuất, bởi chúng ta đã có lợi thế về mặt đất đai, khí hậu, địa kinh tế và con người rất tốt, bây giờ phải tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn, như tôi nói mình dồn điền đổi thửa rồi có những mảnh ruộng hàng chục hécta thì bây giờ chúng ta phải tổ chức sản xuất trên đó.

Câu hỏi "ai đứng ra tổ chức sản xuất?" theo tôi phải là doanh nghiệp có đầu óc tổ chức sản xuất, người ta tích tụ tập trung ruộng đất lại, thuê lại ruộng đất của nông dân và người ta đứng ra tổ chức sản xuất một đại hàng hóa và hàng hóa có chất lượng cao.

Về phía Nhà nước phải hỗ trợ quá trình tích tụ ruộng đất ấy để làm sao người ta khả năng tích tụ được nhiều ruộng đất hơn. Tiếp đến là cần có chính sách thật rõ ràng cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, để họ yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, coi đó như là cơ hội kinh doanh tốt.

Thứ ba rất quan trọng liên quan đến khoa học công nghệ đó là các biện pháp về mặt sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp (đây là điểm yếu của chúng ta) thì chúng ta mới có thể tạo ra thương hiệu hàng hóa xuất khẩu được.

Vấn đề cuối cùng là phải làm tốt an toàn vệ sinh thực phẩm (hiện cũng là điểm yếu của chúng ta), nếu làm tốt được việc này thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ yên tâm dùng hàng Việt Nam, bởi lẽ thị trường nội địa cũng là một thị trường rất lớn chứ chưa nói gì đến việc xuất khẩu.

Bây giờ chúng ta phải tạo niềm tin cho sản phẩm nông nghiệp trên chính thị trường trong nước và nhà nước phải quản lý thật tốt vấn đề này, có biện pháp thẳng tay với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ con người.

- Vấn đề cuối cùng xin hỏi ông là ông có lo lắng với việc hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, gần nhất là cộng đồng chung ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 và theo ông, người nông dân sẽ gặp thách thức như thế nào trong quá trình hội nhập này?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Điều đó tôi thật sự đáng lo vì theo quy luật cung-cầu của cơ chế thị trường cái gì giá rẻ, có lợi thì người ta sẽ nhập khẩu vào, không cấm được vì Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại rồi.

Vấn đề này thực ra đã có sự cảnh báo từ sớm nhưng mà tôi thấy sự chuyển động của ngành nông nghiệp còn rất chậm do vậy khả năng khi chúng ta gia nhập các hiệp định thương mại đó thì ban đầu chắc chắn sẽ gặp khó khăn và người nông dân sẽ là người bị chịu thiệt thòi.

Nhưng theo tôi chúng ta phải hành động dù muộn còn hơn không, phải quyết liệt hơn, nên chính vì vậy một trong những Bộ trưởng đáng quan tâm và chất vấn lần này tôi cũng đề nghị là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải đăng đàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục