Ngành ôtô Việt: Hụt hơi chạy đua cùng chiến lược

Mục tiêu tự sản xuất hầu hết phụ kiện xe hơi trong chiến lược phát triển đến 2010, là quá sức đối với ngành công nghiệp ôtô Việt.
Mục tiêu tự sản xuất gần như tất cả các phụ tùng, phụ kiện của một chiếc xe hơi trong chiến lược phát triển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 dường như quá sức với ngành công nghiệp ôtô Việt.

Hụt hơi

Thực tế thế giới cho thấy không thể có một hãng hay một quốc gia có thể sản xuất trọn vẹn một chiếc ôtô với từ 20.000-30.000 chi tiết. Muốn làm được điều này, phải có hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp mới có thể đảm đương. Một chiếc xe hơi được coi là sự hiện thân của cả một chuỗi cung khổng lồ của nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia.

Trước đây, Daewoo Motor Việt Nam (giờ đây là GM Daewoo Việt Nam) từng đề xuất ý tưởng “kiểu xe quốc gia” với nhiều nhà sản xuất cùng tham gia chế tạo chiếc xe đó. Hay như Toyota Việt nam từng đề nghị cho phép được tính linh kiện do hãng sản xuất vào tỷ lệ nội địa hóa, từ đó phát triển công nghiệp phụ trợ…tất cả những đề xuất, ý kiến đó đã bị các bộ, ngành chức năng của Việt Nam bác bỏ.

Chúng ta đã hết sức ưu đãi các nhà sản xuất nước ngoài với kỳ vọng họ sẽ giúp Việt Nam sớm có ngành công nghiệp ôtô, nhưng quên mất rằng lợi nhuận mới là yếu tố đầu tiên họ tính đến.

Với dây chuyền sản xuất đơn giản, sử dụng nhiều lao động thủ công để giảm chi phí, Toyota Việt Nam vẫn là hãng bán được nhiều xe nhất tại thị trường nội địa.

Khách hàng, muốn mua xe, phải đợi chờ hàng tháng hoặc mất tiền “cầu cạnh” mới lấy được xe trong thời gian sớm nhất. Các hãng xe khác sẽ “chẳng dại gì” để đầu tư nhiều hơn và làm khác so với những gì Toyota Việt Nam đã làm.

Giá xe ôtô ở Việt Nam cao nhất nhì thế giới. Cơ quan quản lý biết điều đó. Và cách mà chúng ta đã và đang làm là tập hợp những nhà sản xuất trong một cuộc họp và yêu cầu họ giảm giá bán xe.

Các liên doanh nghĩ gì?

Các liên doanh không bận tâm. Họ nhận định rằng Việt Nam chưa thể khuyến khích người dân sử dụng xe hơi bởi những hạn chế của hạ tầng giao thông. Xe hơi được sản xuất ra chỉ để phục vụ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và một số ít người tiêu dùng giàu có.

Và như thế, nhu cầu tiêu thụ xe hơi sẽ rất hạn chế. Rồi vì hạn chế, các hãng xe sẽ chẳng tính đến chuyện đầu tư cơ bản vào một nhà máy hiện đại như đang tồn tại ở các nước phát triển. Nhưng nhu cầu vẫn có và họ vẫn bán được xe, cho dù giá cao.

Nhưng nếu chúng ta thay đổi chính sách, dỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ xe trong nước thì sao?

Các liên doanh cũng chẳng lo lắng. Bởi nếu không thể sản xuất xe, họ sẽ nhập khẩu xe hơi để bán tại Việt Nam. Nguồn cung này rất dồi dào. Ngay cạnh Việt Nam, đang có một Thái Lan đã và đang phấn đấu trở thành “Detroit của châu Á”.

Các liên doanh cũng tính đến việc họ sẽ không bao giờ bị rút giấy phép đầu tư, cho dù họ đã không thực hiện như cam kết.

Lý do là họ không sai. Nguyên nhân chỉ bởi mong muốn (đúng đắn) và chính sách của chúng ta đang tồn tại quá nhiều mâu thuẫn.

Yếu tố “mong muốn của nhà đầu tư” đã không dược tính đến khi chúng ta làm chính sách, dẫn đến việc những nhà đầu tư không muốn và không thể thực thi chính sách. Đó là chưa kể đến việc chính sách của chúng ta liên tục thay đổi khiến các nhà đầu tư rất khó để hoạch định chiến lược kinh doanh.

Xe chiến lược, để làm gì?

Mới đây, các bộ ngành chức năng đề xuất Thủ tướng Chính phủ thông qua chính sách phát triển “dòng xe chiến lược” để tạo cú hích phát triển cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và khuyến khích những nhà sản xuất tăng tỷ lệ nội địa hóa xe hơi.

Theo đó, mẫu xe được “khuyến khích phát triển” là chiếc xe từ 6-9 chỗ ngồi, có dung tích động cơ đến 1.5, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro2.

Mẫu xe này sẽ được hưởng hàng loạt ưu đãi thuế, chưa từng được thực hiện từ trước đến nay.

Đây được coi là nỗ lực của các bộ, ngành. Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu không quy hoạch phát triển ổn định và dài hạn công nghiệp ôtô thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp.

Nhưng tại sao chỉ là xe 6-9 chỗ có động cơ đến 1.5, chứ không phải là động cơ 1.6 như nhiều liên doanh lắp ráp ôtô ở Việt Nam đề nghị, trong khi tiêu chí xác định là mẫu xe đa dụng, vừa chở người, vừa chở được hàng, lại có động cơ tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường?.

Lý do có nhiều, nhưng có một thực tế là chỉ có Toyota đang sẵn có mẫu xe này với động cơ 1.5. Kia và Hyundai cùng nhiều hãng xe khác chưa hề có kiểu động cơ này.

Ngoài Toyota, các hãng xe Trung Quốc cũng có thể cung cấp ngay mọi chủng loại động cơ khi thấy có cơ hội tiêu thụ nhiều hàng hóa.

Vậy tương lai thị trường xe hơi Việt Nam sẽ ra sao với “mẫu xe chiến lược”? Thật dễ hình dung khi Toyota tiếp tục “độc chiếm” thị trường ở phân khúc xe này và các mác xe Tàu sẽ đổ về Việt Nam ngày càng nhiều hơn, đó là chưa nói đến chuyện “ưu điểm, nhược điểm” của mẫu xe này./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục