Ngành sản xuất suy giảm trong 5 tháng đầu năm do nhu cầu yếu kém

Do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành sản xuất suy giảm trong 5 tháng đầu năm do nhu cầu yếu kém ảnh 1Sản xuất bao bì tại Công ty Cổ phần Bao bì Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục biến động khi chính sách tiền tệ của các nước gây ra nhiều tác động mạnh tới doanh nghiệp khiến nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, mức lạm phát cao...

Theo dự báo, do tác động của cả trong nước và quốc tế, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay, ở cả hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tại nguồn lực cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, do bị tác động của nhiều yếu tố khiến sản xuất công nghiệp giảm trong 5 tháng đầu năm 2023.

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục giảm xuống 45,3 so với mức 46,7 điểm trong tháng 4 (là lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp, kể từ tháng 3/2023), cho thấy ngành sản xuất tiếp tục suy giảm khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng.

Tuy nhiên, với những nỗ lực trong việc tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh để mở rộng, thúc đẩy sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng năm 2023, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 8,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%; ngành khai khoáng giảm 3,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.

[Kinh tế Việt Nam đón nhiều tín hiệu tích cực trong 4 tháng đầu năm]

Phân theo địa phương, Chỉ số Phát triển Sản xuất Công nghiệp (IIP) trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (như Gia Lai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, Nam Định,...) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (như Hậu Giang; Thái Bình...).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có Chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (như Quảng Nam; Bắc Ninh; Vĩnh Long; Sóc Trăng; Đà Nẵng; Hòa Bình) hoặc do ngành sản xuất, phân phối điện giảm (như Hà Giang; Lai Châu; Sơn La; Hòa Bình; Đà Nẵng).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Ngành sản xuất suy giảm trong 5 tháng đầu năm do nhu cầu yếu kém ảnh 2Hoạt động sản xuất tại nhà máy tuyển Apatit Cam Đường (Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất kim loại.

Trong khi đó, Chỉ số IIP của một số ngành tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như khai thác quặng kim loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất sản phẩm thuốc lá; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2022 như đường kính; xăng, dầu; vải dệt từ sợi nhân tạo; thuốc lá điếu; tivi. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như ôtô; vải dệt từ sợi tự nhiên và linh kiện điện thoại; thép thanh, thép góc; điện thoại di động; quần áo mặc thường.

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp suy giảm do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da-giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục