Ngành thực phẩm và đồ uống của Anh đối mặt với thách thức lớn

Việc rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được một thỏa thuận thương mại có thể khiến ngành xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Vương quốc Anh đứng trước rủi ro lớn.
Ngành thực phẩm và đồ uống của Anh đối mặt với thách thức lớn ảnh 1Bên trong một siêu thị ở Anh. (Nguồn: BBC)

Việc rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được một thỏa thuận thương mại có thể khiến ngành xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Vương quốc Anh đứng trước rủi ro lớn.

Trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy sức ép gia tăng đối với các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU liên quan Brexit, người ta lo ngại rằng việc không đạt được một thỏa thuận vào thời điểm Anh “chia tay” EU có thể khiến nhiều ngành sản xuất tại Anh đối mặt với các rào cản thuế quan lớn trong tương lai, bất chấp việc các quan chức chính phủ nước này hy vọng sẽ bù đắp lại bằng những cơ hội trên các thị trường xuất khẩu quốc tế.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo của Thượng viện Anh về Brexit cho thấy nông dân và các công ty chế biến thực phẩm hiện có sự phụ thuộc lớn vào khu vực thị trường chung và các thỏa thuận thương mại của EU.

Báo cáo lưu ý rằng việc sản xuất các sản phẩm bánh ngọt và bánh kẹo có thể bị gián đoạn, do chi phí các nguyên liệu đầu vào như lúa mì (hiện nhập từ các nước EU) sẽ bị đội lên nhiều lần.

[Anh giải tán Quốc hội chuẩn bị bầu cử trước thời hạn]

Những tác động lớn nhất đối với nông dân Anh là việc họ sẽ không còn được hưởng trợ cấp nông nghiệp của EU, các khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu châu Âu và sự giảm sút về nguồn cung ứng lao động từ các nước EU.

Theo người đứng đầu bộ phận xuất khẩu thuộc Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Làm vườn Anh, Peter Hardwick, xuất khẩu nông sản của “xứ sở sương mù” hiện phụ thuộc tương đối lớn vào hoạt động thương mại với EU.

Tính trung bình, khoảng 80% xuất khẩu nông sản của Anh là sang thị trường EU. Trong khi đó, số liệu thương mại của Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống (FDF) cho hay 70% xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Anh là sang các nước thành viên EU và 27% sang các nước có thỏa thuận thương mại với liên minh này. Nước Anh hiện có 27 thỏa thuận thương mại kiểu này (với sự tham gia của 38 nước).

Phân tích điều tra của Thượng viện Anh cho thấy hầu hết các thỏa thuận trên có thể sẽ hết hiệu lực khi nước Anh rời EU.

Do vậy, Anh sẽ cần phải tiến hành các cuộc đàm phán riêng với các nước này nhằm duy trì các ưu đãi về thuế quan cho các công ty xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục