Ngành xuất khẩu mũi nhọn lên "cơn khát" lao động

Vượt lên trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, nhưng dệt may đang phải chịu áp lực lớn trong việc thu hút nguồn lao động.

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện có trên 2 triệu lao động đang làm việc trong ngành dệt may và con số này sẽ dự kiến sẽ còn tăng để phù hợp với số lượng các đơn hàng xuất khẩu. Bởi vậy tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề đang ngày càng trở nên bức thiết với ngành này.
Vượt lên trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, nhưng dệt may đang phải chịu áp lực lớn trong việc thu hút nguồn lao động, nhất là thời điểm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố đã tới gần.

Nghịch lý cung-cầu


Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện có trên 2 triệu lao động đang làm việc trong ngành dệt may và con số này sẽ dự kiến sẽ còn tăng để phù hợp với số lượng các đơn hàng xuất khẩu.

Thế nhưng, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề đang trở nên bức thiết đối với ngành kinh tế này.

Bà Lê Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty may Norfolk Hatexco, có cơ sở sản xuất tại Khu Công Nghiệp Đồng Văn, Hà Nam cho biết Hatexco cần tuyển khoảng 400 công nhân nhưng mặc dù đã trưng biển tuyển dụng cả mấy tháng trời, công ty vẫn không tuyển được là bao.

Cũng theo bà Lê Thanh Thủy, thị trường lao động hiện nay đang tồn tại một nghịch lý: Nhà sản xuất không tìm được công nhân, còn công nhân thất nghiệp thì lại không tìm được việc làm.

Nguyên nhân là nhiều khu công nghiệp gần như không có nhà ở xã hội cho công nhân, nên khi doanh nghiệp nào cắt giảm nhân lực thì ngay lập tức người lao động lại đi tứ tán khắp nơi để tìm chỗ làm mới. Đến khi sản xuất ổn định trở lại thì không biết tìm họ ở đâu.

Lâm vào hoàn cảnh tương tự, Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng đang ngập trong đơn hàng, nhưng lực lượng lao động thiếu hụt đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Hương Mai, Phó Tổng Giám đốc Hanosimex chia sẻ, dù đầu năm đã tuyển được vài trăm người, nhưng so với nhu cầu thực tế cần tuyển vẫn thiết hụt vài trăm lao động nữa.

“Lao động Việt Nam hiện dư thừa nhưng thu hút vào ngành dệt may rất khó, bởi điều kiện làm việc hiện nay của ngành dệt may không hấp dẫn, trong khi thu nhập lại không cao,” bà Mai chia sẻ.

Đại diện Công đoàn ngành dệt may cũng cho hay, trong ngành chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn đủ sức trả mức lương trung bình khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lương thường dưới 1 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, người công nhân không thể đảm bảo cuộc sống trong tình trạng trượt giá sinh hoạt như hiện nay.

Bồi thêm áp lực từ nhiều phía


Theo tính toán của Công đoàn Dệt may Việt Nam, ở các doanh nghiệp lớn tỷ lệ biến động lao động khoảng 5-7%, các doanh nghiệp nhỏ hơn là 8-15%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 20%.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trả mức lương cao hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường may của Việt Nam hiện đang chịu tác động của 2 thị trường lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc, các đơn hàng gia công may đang đổ dồn vào Việt Nam và thị trường khu vực.

“Hiện Trung Quốc không sản xuất trong nước nữa mà đã bắt đầu hướng đầu tư sang các nước trong khu vực và Việt Nam là thị trường đầu tư này. Có thể đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên nhưng lại dẫn đến việc cạnh tranh lao động rất quyết liệt,” ông Giang phân tích.

Hơn nữa, hạn chế của lao động dệt may do phần đông đối tượng là nữ, nên độ tuổi làm việc bị giới hạn [công nhân nữ làm đến độ tuổi 45 tuổi là không thể ngồi lâu được-PV], khiến thiếu hụt đi một lượng không nhỏ công nhân lành nghề có trình độ tay nghề cao.

Một mối lo nữa là việc dịch chuyển xa các thành phố lớn càng tạo áp lực lớn về tuyển dụng lao động đối với ngành dệt may Việt Nam.

Theo bà Lê Thị Hương Mai, do phải di dời ra khu công nghiệp Đồng Văn, công ty xác định sẽ hụt mất một lượng lớn lao động. Nhưng việc tuyển mới chắc cũng không dễ dàng do điều kiện làm việc của ngành dệt may hiện nay cũng không hấp dẫn do thu nhập còn thấp.

Thế nhưng, nguồn nhân lực tại chỗ lại khó đáp ứng được công việc bởi theo ông Vũ Đức Giang, lo nhất chính là văn hóa làng quê đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng lao động của ngành.

Do vậy, cách để giữ lao động mà Công ty Hanosimex vạch ra là phải đảm bảo ổn định nơi ăn ở tại chỗ cho công nhân.

Bà Mai cho biết, với những người nào ở Hà Nội công ty sẽ tổ chức xe đưa đón đồng thời chuẩn bị khu nhà ở cho công nhân gần khu công nghiệp Đồng Văn để ổn định sinh hoạt cho người lao động ở xa.

Thiết nghĩ, đây cũng là lời giải cho các doanh nghiệp không chỉ riêng ngành dệt may, nếu muốn thu hút và giữ chân người lao động./.

Di Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục