Ngành y học cổ truyền không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp

Ngày 7/12, các nhà khoa học, giảng viên và hơn 600 học viên đến từ 11 cơ sở đào tạo về y học cổ truyền trên cả nước đã cam kết không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp trong hành nghề.
Ngành y học cổ truyền không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp ảnh 1Loài tê giác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng bởi vấn nạn trộm sừng. (Ảnh: WWF)

Nhận thức được vai trò của y học cổ truyền trong bảo tồn động thực vật hoang dã, các nhà khoa học, giảng viên và hơn 600 học viên đến từ 11 cơ sở đào tạo về y học cổ truyền trên cả nước đã cam kết không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp trong hành nghề.

Cam kết nêu trên được đưa ra tại hai buổi tập huấn do Mạng lưới Giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung Ương (T5G) tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các buổi tập huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ động thực vật hoang dã, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người tham dự, nhằm tạo ra một môi trường hành nghề bền vững, có trách nhiệm với động thực vật hoang dã nguy cấp, cũng như khuyến khích mọi người quanh họ không khoan nhượng với hành vi tiêu thụ các loài hoang dã quý hiếm.

Giáo sư, bác sỹ Hoàng Bảo Châu - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng, y học cổ truyền chú trọng đến sự hài hòa giữa tinh thần và thể chất của con người với thiên nhiên. Để đạt được điều này, y học cổ truyền cần không kê đơn thuốc có thành phần từ động thực vật hoang dã nguy cấp, được bảo vệ, ví dụ như sừng tê giác.

Ngành y học cổ truyền không sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TRAFFIC cung cấp)

Từ góc độ tổ chức bảo tồn, bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo y học cổ truyền được thành lập nhằm cung cấp cho học viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để hành nghề một cách hiệu quả, có đạo đức và an toàn, qua đó, bảo tồn và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam.

“Sứ mệnh này được tái khẳng định qua hoạt động bảo vệ động thực vật hoang dã nguy cấp, đảm bảo các học viên y học cổ truyền không tạo ra rủi ro pháp lý cho bản thân hoặc bệnh nhân, cũng như không đẩy các loài động vật hiếm đến bờ vực tuyệt chủng,” bà Madelon Willemsen nói.

Thông qua buổi tập huấn được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các học viên và giảng viên đến từ 11 cơ sở đào tạo về y học cổ truyền sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông tại trường của mình, như: Phát tờ rơi, sách hướng dẫn, treo băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức hội thảo, để chia sẻ và lan tỏa thông điệp hành nghề y học cổ truyền có trách nhiệm, nói không với tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục