Ngành y tế tập trung vào hoạt động dập ổ dịch tả

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại tất cả các ổ dịch tả, ngành y tế không cần tiếp tục tiến hành xét nghiệm mà tập trung dập dịch.
Ngày 14/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh tại tất cả các ổ dịch tả, ngành y tế không cần tiếp tục tiến hành xét nghiệm mà tập trung vào hoạt động dập dịch.

Nguyên nhân là do các xét nghiệm chỉ để xác định kịp thời các trường hợp đầu tiên mắc bệnh tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Các Trung tâm xét nghiệm cần phải lưu giữ các mẫu xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả trong nhiều năm để có thể so sánh sự biến đổi về gen của phẩy khuẩn tả giữa các năm.

Đặc biệt, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ các thực phẩm có liên quan đến bệnh tả như thịt chó, mắm tôm, nước uống và nước ao hồ. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế dự phòng cần phải cấp phát hóa chất diệt khuẩn cho từng hộ gia đình để họ tự xử lý các ổ dịch nhỏ.

Được biết, trong hai tuần gần đây, cả nước đã có 11 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tả với hơn 100 ca dương tính với phẩy khuẩn tả được xét nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, số người nhiễm vi khuẩn cao hơn nhiều.

Các bệnh nhân mắc tả chủ yếu có liên quan đến thức ăn sẵn. Đáng lưu ý, có những trường hợp mắc tả có liên quan đến sử dụng nước đá, nước giải khát lạnh có đá.

Các kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành gần đây nhất đã phát hiện có phẩy khuẩn tả trong một số mẫu thịt chó, rau sống, nước đá, chó sống; mẫu nước sông, kênh rạch nơi có bệnh nhân mắc tả. Như vậy, nguồn lây nhiễm tả rất đa dạng là yếu tố nguy cơ khiến tả có thể còn lan rộng.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết từ ngày 28/6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 183 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng với tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 50 trường hợp có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Riêng ngày 13/7, bệnh viện đã tiếp nhận sáu trường hợp có các biểu hiện lâm sàng với bệnh tiêu chảy cấp, trong đó chỉ có một bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả.

Trước tình hình vi khuẩn tả có thể lây lan rộng qua nguồn nước, Cục Y tế dự phòng đã liên tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc; không sử dụng nước ao, sông, kênh rạch... nghi ngờ nhiễm bẩn để phục vụ cho sinh hoạt; không đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người mắc bệnh tiêu chảy xuống ao, hồ, sông, giếng... và các nguồn nước công cộng khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng đã khẳng định từ tháng 3 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới cúm A/H1N1. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn khống chế được dịch cúm A/H1N1.

Riêng cúm A/H5N1 vẫn có điều kiện quay trở lại vào mùa đông vì nó lưu hành liên tục trên thủy cầm trong khoảng từ 5-6 tháng mà không có bất cứ một triệu chứng nào. Bên cạnh đó, do thói quen nên nhiều người dân tại một số địa phương vẫn ăn thịt gia cầm chết. Chính vì vậy thỉnh thoảng vẫn có trường hợp dương tính với cúm A/H5N1.

Thứ trưởng yêu cầu để tiếp tục phòng chống có hiệu quả các dịch bệnh trong mùa hè, tiểu ban giám sát cần tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tả tại các địa phương; các trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở điều trị tập trung phòng chống các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng.

Đặc biệt chú ý các dịch bệnh sau mưa lũ với hoạt động ba tại chỗ là cấp cứu, phòng chống và điều trị. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với các ngành, tổ chức và chính quyền các cấp tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh mùa đông./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục