Ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long vào đề thi Địa lý

Thời sự tiếp tục được đưa vào đề Địa lý khi phần 2 câu IV có phần mở rộng về tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua.
Ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long vào đề thi Địa lý ảnh 1Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Trà rời phòng thi khá sớm. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Hôm nay, các thí sinh bước vào ngày thi thứ 3, môn thi Địa lý. Theo ghi nhận của phóng viên từ một số thí sinh ra sớm, đề thi Địa lý năm nay khá cơ bản, chỉ cần nắm chắc kiến thức có thể đạt điểm khá.

Thích thú với thông tin thời sự

Hầu hết các thí sinh sáng nay thi môn Địa lý đều bày tỏ sự thích thú vì đề thi mang tính thời sự khi đề cập đến quá trình đô thị hóa, vấn đề biển của miền Trung và xâm nhập mặn Đồng bằng Sông Cửu Long hay vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng.

Tại điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì, thời gian thi môn Địa lý mới trôi qua được 2/3, đã có một số thí sinh hoàn thành và rời khỏi điểm thi. Nhận định chung, các em đều khá thoải mái và hài lòng đối với đề thi năm nay.

Thời sự tiếp tục được đưa vào đề Địa lý khi phần 2 câu IV có phần mở rộng về tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua.

Câu hỏi như sau: “Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế đối với việc phát triển nông nghiệp? Tại sao trong thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây lại diễn ra hết sức nghiêm trọng?” Các thí sinh đều cho rằng, đây là phần phân loại giữa điểm giỏi và khá.

Vũ Nhật Lệ, học sinh trường Trung học phổ thôngTùng Thiện (Sơn Tây) tỏ ra khá hào hứng với kết cấu đề môn Địa lý năm nay. Lệ cho biết, vấn đề xâm nhập mặn được đưa vào đề thi vừa đòi hỏi thí sinh có kiến thức về địa hình, thổ nhưỡng chung của Đồng bằng sông Cửu Long, vừa phải tự cập nhật các vấn đề thời sự khác như biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái Đất để có thể trả lời thấu đáo.

"Rất may, em có theo dõi thông tin về vấn đề này nên làm bài khá tự tin," Lệ chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Thu Trang, đến từ trường Trung học phổ thông Ba Vì, cũng rất hào hứng với câu hỏi về xâm nhập mặn. Theo Trang, đây là câu hỏi khó vì có tính phân loại cao. Đòi hỏi kiến thức, suy luận, và những hiểu biết về xã hội, thời sự.

Đây cũng là nhận định của thí sinh Trần Trọng Khoa, trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. Theo Khoa, câu hỏi về các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bị xâm nhập mặn là vấn đề thời sự khá cập nhật trong đề thi.

Câu hỏi này rất hay vì ngoài kiến thức sách giáo khoa thì yêu cầu thí sinh thường xuyên phải đọc hay nghe các phương tiện thông tin truyền thông liên tục đưa tin về sự kiện này đồng thời có các phân tích, bình luận của các cơ quan chức năng, tỉnh thành về các hạn chế của vấn đề quy hoạch thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thủy điện đã làm chặn dòng nguồn nước… Câu hỏi này đủ sức phân loại thí sinh,” Khoa chia sẻ.

Không khó để dành điểm 7, 8

Nhận định chung về đề, thí sinh Trần Trọng Khoa cho rằng, đề thi gồm 4 câu nhưng đủ thời gian cho thí sinh làm bài. Các câu hỏi đều nằm trong chương trình sách giao khoa như về đa dạng sinh học, quá trình đô thị hóa, vùng công nghiệp hay công nghiệp chế biến lương thực phẩm. So với năm 2015 thì cơ cấu đề không có nhiều khác biệt.

“Riêng câu biểu đồ về quy mô lao động khá dễ, nhưng phần nhận xét về sự thay đổi quy mô, cơ cấu lao động đòi hỏi sự phân tích sâu và nhớ được kiến thức tổng quát,” Khoa đánh giá.

Thí sinh Nguyễn Thu Loan, học sinh trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu cho biết em tự chấm mình được khoảng 7 đến 8 điểm. Theo Loan, đề thi khá dễ.

Loan chia sẻ: “Em ôn tập về dân số, biển Đông và đã làm khá tốt bài thi. Bên cạnh biển Đông thì vấn đề ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nội dung thời sự nhất liên quan đến thi môn Địa lý nên em cũng ôn tập kỹ.”

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Trà, trường Trung học phổ thông Ba Vì cũng khá tự tin về bài làm của mình. Theo Trà, nếu học chắc kiến thức, thí sinh đều có thể đạt 6, 7 điểm. So sánh với đề năm 2015 thì đề không có nhiều khác biệt nên nếu nghiên cứu kỹ thì các thí sinh đều có thể làm tốt.

“Với những thí sinh làm chỉ để lấy 2 điểm xét tốt nghiệp thì có thể không làm các câu hỏi liên hệ thực tế và ra sớm,” thí sinh Mai Thùy Linh, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ nhận định.

Kết thúc môn thi Địa lý với tâm thế khá thoải mái, chiều nay, thí sinh sẽ dự thi môn thứ 6 của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là môn Hoá học. Đề thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục