Ngất xỉu vì xin ấn cầu may đền Trần

Rất nhiều người đã bị ngất khi tham gia Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch).

Rất nhiều người đã bị ngất khi tham gia Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch).

Chưa vào đền đã lên xe… cấp cứu

Mặc dầu 23 giờ 30 phút mới là thời điểm ban tổ chức lễ hội đền Trần mở cửa cho du khách thập phương vào lĩnh ấn nhưng sự nhộn nhịp quanh khu vực đền đã xuất hiện từ rất sớm.

18 giờ, khi lực lượng giữ gìn trật tự yêu cầu người dân ra khỏi khu vực lễ hội, tại đường Trần Thừa – con đường dẫn vào lễ hội đền Trần đã chật kín người qua lại.


Trước tin đồn nhà đền chỉ phát ra một số lượng ấn nhất định, trong khi du khách thập phương có nhu cầu xin ấn lên tới hàng vạn người, ngay từ 19 giờ, rất nhiều người đã ngồi chật khu vực chắn barie và được lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt trước sân đền.

“Tôi phải ngồi đây canh chỗ, kẻo khi mở cửa, chúng tôi già yếu sẽ không chạy nhanh được vào đền, kịp lấy ấn,” bà Ngô Thị Liên ở tỉnh Hòa Bình, nói.

Khoảng 20 giờ, len lỏi giữa dòng người, phóng viên Vietnam+ cuối cùng cũng chen được tới khu vực cách barie chừng 10m. Trước yêu cầu của lực lượng an ninh, chúng tôi ngồi xuống một cách trật tự. Phía sau, dòng người tiếp tục kéo đến đông, người đứng, ngồi nhấp nhô khiến những người giữ trật tự rất vất vả.

Đến 22 giờ 30 phút, khi nhà đền bắt đầu gióng những hồi chuông để báo hiệu buổi lễ khai ấn bắt đầu, dòng người trở nên hỗn loạn. Mặc dù lực lượng an ninh đã cố gắng giữ trật tự nhưng họ đã bất lực trước những người quá khích. Người sau đẩy người trước khiến đám đông đang ngồi trật tự phía trước barie cũng phải đứng dậy nếu không muốn bị đè bẹp.

Sự chen lấn, xô đẩy càng trở nên kịch điểm khi thời gian dịch dần đến giờ Tý. Cho dù có cố gắng hết sức, chúng tôi cũng không thể ra khỏi dòng người ken nhau từng cen-ti-mét. Làn sóng người, lúc dồn về phía trước, lúc đẩy về phía sau khiến nhiều người - trong đó có chúng tôi - đuối sức dần.

Một số người già, trẻ em do không chịu nổi đã bị ngất ngay tại chỗ, phải nhờ chính đám đông khiêng lên đầu họ để đưa ra chỗ an toàn. Hoặc, có những người chân trụ không vững, khi ngã đã bị “đè bẹp” một cách không thương tiếc.

Bên tai chúng tôi là những tiếng kêu cứu một cách tuyệt vọng và tiếng chửi bới thô tục của đám thanh niên đã gần kiệt sức. Trong khi đó, lực lượng an ninh vẫn cố gắng giữ chặt barie trước sự xô đẩy ngày một lớn.

Đúng 23 giờ 30 phút, khi barie được mở, dòng người ùn ùn kéo vào sân đền, thì cũng lúc đó, những chiếc xe cứu thương đầu tiên đã chở những người không may bị ngất đi cấp cứu.

Sau khoảng 7 giờ “trực chiến,” trên “bãi chiến trường,” chỉ còn ngổn ngang giày,dép và những vỏ chai nước. Những người bán hàng quanh đó bèn tận dụng thời cơ để nhặt những đôi giày còn lành lặn.

Phát ấn: Mạnh ai nấy cướp

Là một trong những người ùa vào đền đầu tiên, nhưng phóng viên Vietnam+ cũng không thể có cho mình một chiếc ấn từ tay ban tổ chức. Dòng người đã mệt phờ bởi chen lấn lúc nãy vẫn lao vào tranh cướp như thiêu thân.

Trên mái ngói của đền Cổ Trạch, những thanh niên đã trèo lên rồi thò tay xuống xin hoặc cướp ấn. Dưới đất, dòng người lập thành hàng rào vây kín ban phát ấn. Người may mắn lấy được ấn lại phải trải qua một cuộc “chiến” gay cấn. Nếu không cẩn thận, họ sẽ bị cướp trên tay hoặc nếu có giằng lại được thì chiếc ấn cũng không còn nguyên vẹn.


Cầm trên tay chiếc ấn giấy đã rách, anh Hoàn (ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) bức xúc: “Miếng ăn đến mồm lại rơi. Giờ có quay lại cũng không lấy được ấn bởi đông quá. Thôi, tôi đành mang về rồi lấy hồ dán lại cũng được.”

Một số người biết không lấy được ấn thì trèo lên cây bàng quan hoặc ra về với niềm thất vọng vô bờ. “Chen lấn suýt chết mới vào được đây, giờ lại ra về tay không. Tôi đành an ủi mình rằng có lòng thành, ắt Đức Thánh sẽ phù hộ,” anh Nguyễn Công Vinh (ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) chán nản.

Theo quan sát của Vietnam+, có không ít người phải về tay không, nhưng cũng có nhiều người tuy không trực tiếp xin được ấn của ban tổ chức mà vẫn hổ hởi bảo mình có “ấn xịn.” Đó là bởi họ đã mua của những người bán ấn trong khu vực đền Trần với giá từ 50.000 đồng – 100.0000 đồng/1 bộ ấn.

Nhiều người có “thâm niên” đi xin ấn cho hay, đa phần đó là bùa trấn trạch (cũng mực đỏ in trên nền vải vàng như ấn nhưng có đường nét khác) rao bán và nói đó là ấn vua ban. Hoặc, cũng có ấn giả hay ấn quan được lấy từ đền Bảo Lộc.

Khoảng gần 2 giờ sáng, khi chúng tôi rời khỏi đền Trần, rất nhiều người dù trên tay có ấn hay không cũng lần lượt ra về. Nhưng, không phải vì thế mà đền Trần bớt phần vắng vẻ. Dòng người vẫn nườm nượp kéo về để tiếp tục xin ấn, cầu may./.
 


Trung Hiền – Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục