Ngẫu hứng và... dịch sai

MC kỳ cựu Lại Văn Sâm ngẫu hứng và... dịch sai

Những tưởng đây chỉ là sự chữa cháy, nào ngờ "em-xi kiêm phiên dịch" vẫn mạnh dạn (hay liều mạng) lĩnh phần chuyển ngữ.
Với hai trong sáu giải thưởng quan trọng của Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, có thể dùng hai chữ "tốt đẹp" để nói về thành công của điện ảnh Việt Nam tại một liên hoan tầm cỡ quốc tế ngay trên sân nhà. Nhưng chắc chắn không thể dùng hai chữ xa xỉ này để nói về khâu tổ chức.
 
Tiếp theo một lễ khai mạc có phần thiếu chặt chẽ về tổ chức và rời rạc về kịch bản tại địa điểm cũng như chương trình truyền hình trực tiếp, lễ trao giải và bế mạc tối qua, 21/10, cũng có nhiều hạt sạn to đùng không thể không nhắc tới.
 
Đầu tiên là đoạn trích "Cánh đồng hoang" để tôn vinh đạo diễn Hồng Sến, người đã có nhiều cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. Sau lời phát biểu rất xúc động của nghệ sĩ Như Quỳnh, không ít khán giả xem đoạn trích bồi hồi nhớ lại những cảnh kinh điển và mẫu mực của bộ phim thì bỗng dưng nó tắt phụt ngay trước đoạn kinh điển nhất - cảnh diễn viên Lâm Tới phải cho đứa con nhỏ ngụp xuống nước tránh máy bay địch.
 
Không rõ cái sự "tắt phụt giữa chừng" là ý đồ của người dựng đoạn phim hay là sự cố kỹ thuật (vì nó không được chìm đi êm ái mà thực sự cắt ngang), chỉ biết rằng nó khiến những ai từng xem "Cánh đồng hoang" phải lắc đầu ngao ngán còn những ai chưa biết đến Hồng Sến và bộ phim này thì mất đi cơ hội rõ ràng nhất để hiểu tại sao liên hoan phim lại đặc biệt tôn vinh ông.
 
Cũng cần nhắc đến việc MC Lại Văn Sâm vinh danh phụ nữ sau khi công bố giải diễn viên nữ xuất sắc và có những câu bình luận về MC Mỹ Uyên và bản thân theo kiểu... khó hiểu. Anh thậm chí nói rằng sự hiện diện của mình là... vô duyên, rồi khiến cả khán phòng vỗ tay chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam. Nếu phần này có trong kịch bản gốc thì xem ra hơi lạc điệu, còn nếu chỉ là sự ngẫu hứng của một MC kỳ cựu như Lại Văn Sâm thì lại càng đáng chê trách.
 
Vấn đề tiếp theo là dịch thuật tại buổi lễ. Rõ ràng là ban tổ chức có chuẩn bị người dịch cho các đại biểu nước ngoài, nhưng không rõ cán bộ phiên dịch này có được đọc nội dung các bộ phim hay chỉ vì lúng túng nhất thời mà dịch tên phim nhận giải “Luôn ở bên con” thành... "Luôn ở bên em." Ngoài ra, do để cho các nghệ sĩ phát biểu thoải mái trên sân khấu chứ không có kịch bản từ đầu, nên bên cạnh việc có những câu chuyện thú vị như câu chuyện của đạo diễn Đặng Nhật Minh về François Catonnet, nhà quay phim của phim "Đông Dương" thì lại có cái dở là người phiên dịch không thể chuyển tải hết nội dung.
 
Nhưng sự cố đáng tiếc nhất chính là việc MC Lại Văn Sâm chủ động kiêm phần phiên dịch cho Ngô Ngạn Tổ. Khi nam diễn viên Hongkong này phát biểu về niềm vinh dự khi được tham dự liên hoan phim tại thành phố vừa kỷ niệm ngàn năm tuổi thì MC nhanh chóng dịch luôn rằng Ngô Ngạn Tổ rất hạnh phúc khi thấy có nhiều người hâm mộ anh ở Việt Nam.
 
Những tưởng đây chỉ là sự chữa cháy tại chỗ, nào ngờ khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu một câu rất nhiều thông điệp khích lệ thì "em-xi kiêm nhân viên phiên dịch" vẫn mạnh dạn (hay liều mạng) lĩnh phần chuyển ngữ. Kết quả, câu nói ý nghĩa "mục đích của một liên hoan phim quốc tế là đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả địa phương, nhưng nó cũng nhằm đưa điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới" biến thành một câu đại loại là "những ngày qua tôi thấy khán giả xếp hàng dài đến xem các bộ phim tại liên hoan."
 
"Chao ơi, anh Lại Văn Sâm đã lậm-văn-sai và luận-văn-sai quá rồi," một khán giả xem truyền hình bất ngờ thốt lên làm mọi người xung quanh phì cười.
 
Vẫn biết đối với một liên hoan phim, các giải thưởng danh giá rốt cục mới là điều đọng lại. Và quan trọng hơn là việc điện ảnh Việt Nam chứng tỏ ra sao với bạn bè quốc tế, học hỏi thế nào cho những lần xuất trận tiếp theo - như ý kiến của nhiều quan chức lẫn các nghệ sĩ, diễn viên đã phát biểu khi tham dự. Nhưng nếu cứ tiếp tục kiểu tổ chức ngẫu hứng và bề bộn thế này thì đến bao giờ liên hoan phim quốc tế của Việt Nam mới thực sự gọi là tầm "quốc tế"?

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục