Ngày 21/7 khai mạc kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIII

Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố Chương trình và những nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.
Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố Chương trình và những nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Kỳ họp đầu tiên sẽ khai mạc vào ngày 21/7 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 14,5 ngày (bế mạc ngày 6/8).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng; Giám đốc Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học Phùng Văn Hùng đồng chủ trì họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội sẽ tập trung và dành nhiều thời gian xem xét, quyết định về công tác tổ chức và nhân sự (theo chương trình Quốc hội dành khoảng 11 ngày) bao gồm tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội và thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII; xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, bao gồm các chức danh Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; thông qua Nghị quyết về chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 và phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2009; xem xét và thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011...

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về công tác chuẩn bị cho việc bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nêu rõ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII họp và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm, đó là quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ...

Những đại biểu được giới thiệu là những người có quá trình rèn luyện lâu dài, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, có đức-tài để phục vụ Nhà nước và nhân dân. Những đại biểu Quốc hội sẽ đại diện cho quyền lợi nhân dân, cầm lá phiếu bầu ra những người đủ đức-tài vào chức danh chủ chốt, cao cấp trong các cơ quan nhà nước.

Chủ nhiệm Trần Đinh Đàn cũng cho biết Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 3 lớp tuận huấn cho các đại biểu Quốc hội tại ba miền Bắc, Trung, Nam để trang bị các kiến thức toàn diện về cơ cấu, tổ chức, vị trí vai trò, bộ máy của Quốc hội góp phần cung cấp cho các đại biểu đầy đủ các thông tin về Quốc hội trước kỳ họp thứ nhất này.

Liên quan đến câu hỏi chủ trương của Quốc hội về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn cho biết việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, gắn với nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Nội dung và phạm vi sửa đổi sẽ được các đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận và quyết định.

Các nội dung họp về phiên khai mạc và phiên bế mạc kỳ họp; phiên thảo luận ở Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1 của Đài tiếng nói Việt Nam./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục