Ngày 27/5, ngày bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập đã diễn ra yên bình và trật tự, chỉ có vài cuộc biểu tình lẻ tẻ và một số âm mưu phá hoại của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.
Các cơ quan chức năng Ai Cập cho biết một thiết bị nổ đã được kích hoạt gần một địa điểm bỏ phiếu tại tỉnh miền Nam Fayoum song không gây thương vong, trong khi cảnh sát đã phát hiện và vô hiệu hóa 6 quả bom tự tạo khác tại 3 địa điểm thuộc tỉnh Giza nằm sát Cairo và tỉnh Kafr El-Sheikh ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile.
Cảnh sát đã giải tán ba cuộc biểu tình tại Cairo và tỉnh Minya ở vùng Thượng Ai Cập. Một vài cuộc đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và người biểu tình Hồi giáo cũng được ghi nhận tại một số địa phương nhưng không gây thương vong.
Ngoài ra, không có binh sỹ hoặc cảnh sát nào bị sát hại hoặc bị thương trong ngày 26/5. Đáng chú ý chỉ có vài giờ trước thời điểm mở cửa các hòm phiếu, một người thuộc nhóm vận động tranh cử của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi bị bắn chết tại quận Kerdasa của tỉnh Giza - địa điểm được xem là thành trì của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Có thể nói kết quả trên là một thành công đáng ghi nhận của các lực lượng an ninh Ai Cập, trong bối cảnh các nhóm Hồi giáo cực đoan gia tăng các cuộc tấn công gây thương vong lớn cho cảnh sát và quân đội kể từ cuộc chính biến ngày 3/7/2013 lật đổ chính quyền của ông Morsi.
Trước đó, các cuộc bầu cử diễn ra tại Ai Cập từ năm 2011 đều có đụng độ bạo lực gây thương vong lớn. Tại cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới được tổ chức vào trung tuần tháng 1 vừa qua, 10 người đã bị thiệt mạng trong ngày bỏ phiếu đầu tiên.
Cử tri đi bầu rất đông vào đầu giờ sáng song có dấu hiệu suy giảm vào buổi chiều do thời tiết quá nóng bức. Tuy nhiên, trước thời điểm đóng cửa niêm phong các hòm phiếu vào 21 giờ, nhiều gia đình cùng con cái đã đổ xô đến các địa điểm bỏ phiếu.
Nhằm tạo điều kiện cho cử tri, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Ibrahim Mahlab đã quyết định cho phép hơn 6 triệu viên chức nhà nước nghỉ lễ trong ngày 27/5.
Một vài vụ vi phạm nhỏ lẻ được ghi nhận trong ngày bỏ phiếu đầu tiên như vận động bên ngoài điểm bỏ phiếu, hướng dẫn cử tri bỏ phiếu tập trung cho các ứng cử viên.
Nhóm vận động bầu cử của chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi cáo buộc lực lượng an ninh ngăn chặn một số đại diện của mình tiếp cận các khu vực bỏ phiếu và các xe quân sự phát loa ủng hộ cựu Tư lệnh quân đội el-Sisi.
Trong khi đó, người của ông el-Sisi cũng báo cáo các vi phạm như chậm mở cửa các địa điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên đều không nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc bầu cử này.
Trong diễn biến liên quan, người đứng đầu Ủy ban bầu cử Tổng thống Ai Cập (PEC) Abdel-Aziz Salman đã bác bỏ thông tin rằng thời gian bầu cử sẽ được kéo dài thêm một ngày, đồng thời khẳng định không có các hòm phiếu đặc biệt dành cho các cử tri sinh sống ngoài khu vực đăng ký thường trú.
Dự kiến, các địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc sẽ đồng loạt dống cửa vào 21 giờ ngày 27/5 và công việc kiểm phiếu sẽ được tiến hành ngay sau đó để công bố kết quả chính thức vào ngày 5/6 tới.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần này là chặng thứ hai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến vào mùa Hè năm ngoái. Người đắc cử sẽ trở thành vị Tổng thống thứ 6 của Ai Cập kể từ cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến và thiết lập nền cộng hòa vào tháng 6/1953.
Theo PEC, hơn 53,9 triệu người trong tổng số 90 triệu dân Ai Cập đủ tư cách tham gia bỏ phiếu, cao hơn 1,2 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu năm nay.
Tổng cộng gần 182.000 binh sỹ tinh nhuệ cùng 220.000 cảnh sát và 500 lính biệt kích đã được triển khai để bảo vệ an ninh tại 25.343 hòm phiếu trên khắp cả nước, cũng như các địa điểm trọng yếu như kênh đào Suez và trụ sở các cơ quan nhà nước đầu não. Đây là lực lượng an ninh đông đảo nhất từ trước đến nay được huy động để bảo vệ bầu cử.
Khoảng 16.000 thẩm phán tham gia giám sát tiến trình bỏ phiếu tại 14.352 ủy ban bầu cử trên toàn quốc. Ngoài ra, 79 tổ chức phi chính phủ trong nước; 6 tổ chức nước ngoài trong đó có Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, tổ chức Minh bạch Quốc tế, Trung tâm Carter và tổ chức Dân chủ Quốc tế (DI) có trụ sở tại Mỹ; cùng các quan chức của Ủy ban bẩu cử Trung ương của Ấn Độ, Mexico, Jordan và Nigeria cùng tham gia giám sát bầu cử.
Hơn 80 cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế được cấp phép đưa tin./.