Ngày đầu tăng giá viện phí: Người dân mong muốn được phục vụ tốt hơn

Với mỗi người bệnh, tăng viện phí đồng nghĩa với việc họ mong muốn có một sự thay đổi đích thực về thái độ và chất lượng phục vụ cho xứng với “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra.
Ngày đầu tăng giá viện phí: Người dân mong muốn được phục vụ tốt hơn ảnh 1Người bệnh chờ làm xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Viện phí tăng lên, với nhiều người bệnh ​ngoài việc lo lắng phải chi thêm một khoản trong quỹ tiền vốn đã eo hẹp thì họ còn mong muốn có sự thay đổi về thái độ và chất lượng phục vụ cho xứng với “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra.

Giảm chờ đợi, bớt rườm rà

Ngày (1/3) - ngày đầu tiên của đợt tăng giá viện phí này, tại hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… lượng người đến khám đông như các ngày bình thường khác.

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, hầu như tại các cơ sở y tế và người bệnh đều không có sự xáo trộn nào.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Thanh Mai ở Hải Hậu (Nam Định) đến khám bệnh về tuyến giáp chia sẻ, chị có thẻ bảo hiểm y tế và được chuyển tuyến lên đây nên bớt lo phần nào về tài chính. Tuy nhiên, người bệnh đến bệnh viện khám bệnh, ai cũng mong được thuận tiện từ khâu đón tiếp để đỡ bớt các thủ tục rườm rà. Bởi những người có thẻ bảo hiểm y tế bớt lo được về khâu kinh phí thì thường lại đối mặt với nỗi ám ảnh phải xếp hàng chờ đợi rất lâu.

Chia sẻ ý kiến về việc viện phí tiếp tục tăng giá thêm trong lần tăng này, chị Mai thẳng thắn: “Nếu viện phí tăng mình chắc chắn cũng lo, ở nông thôn thì lấy đâu ra tiền. Tăng ít tăng nhiều chúng tôi cũng lo. Tuy nhiên, nếu nỗi lo ấy mà được thay bằng việc cung ứng dịch vụ y tế tốt hơn, người bệnh được quan tâm và chăm sóc tốt hơn thì những người bệnh như chúng tôi cũng phần nào bớt bực tức và hài lòng hơn.”

Tại Bệnh viện Việt Đức, anh Bùi Đình Nam đưa người nhà đi mổ tại đây cho hay, giá viện phí tăng lên như thế này nữa thì các bệnh viện và cơ sở y tế cần phải có sự cải tiến và tiến bộ nữa.

"Bảo hiểm y tế đã thu của người dân như vậy thì trong công tác khám chữa bệnh, đáp ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân phải tiến hành các thủ tục nhanh chóng. Chứ viện phí cứ tiếp tục tăng mà người bệnh vẫn phải nhận  'điệp khúc' chờ đợi lâu sẽ rất ngại và bức xúc," anh Nam bày tỏ.

Từ 1/3 việc giá viện phí được điều chỉnh theo mức giá mới. Tại các bệnh viện, việc niêm yết giá viện phí mới công khai được các bệnh viện tiến hành chu đáo.

Tại nơi niêm yết giá viện phí mới của Bệnh viện Bạch Mai, rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đứng xem và so sánh với giá các dịch vụ mà họ được chỉ định trong ngày đầu tiên thực hiện giá viện phí mới so với giá trước đó.

Ngày đầu tăng giá viện phí: Người dân mong muốn được phục vụ tốt hơn ảnh 2Người dân quan sát bảng giá viện phí mới tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ghi nhận tại một số bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… nhiều người bệnh khi được hỏi đều không tỏ ra bất ngờ vì hầu hết họ đã được tuyên truyền về thông tin điều chỉnh giá viện phí.

Bệnh viện: Tỉnh táo để hạn chế sự nhầm lẫn

Phân tích về đợt tăng viện phí lần này, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, để thực hiện Thông tư 37 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trước ngày 1/3, các nhân viên của bệnh viện đã phải thực hiện một khối lượng việc khổng lồ, thậm chí tối trước đó có các bộ phận như kế toán, thu ngân đã làm việc thâu đêm để sắp xếp công việc cho chu đáo.

Đề cập đến những khó khăn trong đợt tăng giá viện phí lần này, bà Hường cho hay, trước đây Bộ Y tế chỉ chia các dịch vụ theo nhóm bệnh, nhóm kỹ thuật nên chỉ có dưới 1.000 dịch vụ tương ứng với 1.000 loại giá. Hiện nay, với cách áp dụng mức viện phí mới này, Bộ Y tế đã chia nhỏ các dịch vụ ra theo từng kỹ thuật khác nhau nên có tới 1.887 dịch vụ.

"Giá mới nhiều, giá cũ vẫn giữ. Giá mới áp cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, giá cũ dành cho người không có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện lại còn phân loại rõ để xác định bệnh nhân nhập viện sau ngày 1/3 hay trước 1/3… Do đó, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tỉnh táo hết sức để hạn chế thấp nhất sự nhầm lẫn. Sau đó, chúng tôi sẽ hậu kiểm để sửa các sai sót nếu có và tiếp tục khắc phục để làm tốt hơn” – bà Hường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, trong đợt tăng giá lần này, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong tất cả các khâu. Tại Khoa Khám bệnh, bảng giá viện phí mới với giá chi tiết của gần 1.900 dịch vụ được niêm yết công khai cùng với bảng giá viện phí hiện hành (gần 900 dịch vụ) đang được thực hiện với bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Về công tác quản lý khi áp giá viện phí mới, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay, phần mềm quản lý giá viện phí đã được cập nhật tương thích với danh mục viện phí mới Bộ Y tế ban hành nên bệnh viện triển khai không có gì vướng mắc. Chỉ có một số lỗi nhỏ về kỹ thuật đã được các nhân viên của bệnh viện xử lý ngay trong buổi sáng.

Việc tăng giá viện phí và tăng số lượng các dịch vụ là một sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành y tế. Giá tăng nhưng về thực chất người bệnh có thực sự được lợi?

Trao đổi về vấn đề này, bà Hường phân tích: “Việc tăng giá viện phí trước hết là người bệnh được coi trọng, bởi họ được đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, trong khi bệnh viện với vai trò là người phục vụ. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh tăng, giá viện phí 'tiệm cận' với giá thị trường nên đã được tính đúng, tính đủ các chi phí, người bệnh không phải trả thêm chi phí bên ngoài.”

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tương lai gần, viện phí mới sẽ được áp dụng đồng loạt nên người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ nặng gánh hơn rất nhiều nếu không may ốm đau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục