Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch Khmer 2013

Hai năm một lần, ngày hội tổ chức luân phiên tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây của người Khmer.
Tối ngày 15/4, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các ban, ngành và hàng ngàn đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm tỉnh An Giang đã về dự Lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer năm 2013."

Lễ khai mạc được tổ chức tại chùa Tức Phôs (Chikaêng Trên), thuộc ấp An Lợi, Xã Châu lăng, huyện Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhằm phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Ngày hội đã thu hút 650 nhạc công, diễn viên và vận động viên dân tộc Khmer của năm huyện có đồng bào dân tộc sinh sống là huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú và Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú và lực lượng vũ trang An Giang tham gia.

Ngày hội kéo dài đến ngày 18/4 với các hoạt động văn hoá như Triển lãm hình ảnh về đời sống đồng bào dân Khmer vùng Bảy Núi An Giang luôn năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá văn minh vùng phum sóc, những hình ảnh về lễ hội đua bò Bảy Núi; Liên hoan văn hóa ẩm thực giới thiệu món ăn đặc sản của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi; Thi đấu thể thao bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, đội cà om…

Đã trở thành truyền thống, hai năm một lần, ngày hội được tổ chức luân phiên tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang cho biết, ngày hội đã thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh đối với việc chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc nói chung và đồng Khmer nói riêng. Qua đó, khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer An Giang, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc Khmer đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Ngày hội cũng tạo điều kiện để đồng bào Khmer vui chơi gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các phum sóc và giữa các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer vùng Bảy Núi./.


Vương Thoại Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục