Hát quốc ca bằng… tay

Ngày khai giảng, hát quốc ca bằng… tay

Thay vì hát vang bài Quốc ca, học sinh trường Trung học cơ sở Xã Đàn hướng lên lá cờ Tổ quốc bằng ngôn ngữ riêng của mình: Tay.
Thay vì hát vang lời ca hùng tráng của bài Quốc ca, các học sinh của trường Trung học cơ sở Xã Đàn hướng lên lá cờ Tổ quốc bằng ngôn ngữ riêng của mình: ngôn ngữ cử chỉ.

“Múa” quốc ca

Mặc dù sáng mai, 5/9, mới là ngày khai giảng chính thức nhưng từ sáng sớm nay, rất nhiều học sinh từ mẫu giáo tới trung học cơ sở của trường Xã Đàn đã tề tựu để tập dượt lần cuối cho buổi khai trường.

Mặc dù đã ấp ủ ý tưởng từ lâu nhưng năm nay là năm đầu tiên trường Xã Đàn tổ chức hát quốc ca cho học sinh trong dịp khai giảng năm học mới bằng ngôn ngữ cử chỉ. Nhìn các em học sinh với cánh tay đưa lên xuống rất đều, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường xúc động nói: “Ngôn ngữ cử chỉ, đó mới là đặc trưng của trường Xã Đàn. Được hát quốc ca, các em sẽ thấy hòa đồng hơn với các bạn bình thường khác và có niềm vui ngày khai trường trọn vẹn hơn.”

Cũng theo thầy Hùng, tập hát quốc ca tập thể bằng ngôn ngữ cử chỉ cho học sinh khiếm thính khó như tập múa, động tác của các em phải đồng đều. Để hát được đều, trường phải tập cho các em trong nhiều tháng.

Là người trực tiếp hướng dẫn các em, thầy Vũ Quang Thành, Tổng phụ trách đoàn đội của trường chia sẻ: “Các em khiếm thính nên trong việc điều chỉnh hàng lối diễu hành cũng như dạy hát, không thể dùng loa như với học sinh bình thường. Còn dùng ngôn ngữ cử chỉ thì các em không để ý, không nhìn mình nên không hiểu. Vì thế, thầy cô phải chạy tới tận nơi, hướng dẫn từng em một.”

Do mỗi lớp khiếm thính chỉ có hơn 10 học sinh mà có tới hai giáo viên phụ trách nên việc tập luyện cho các em thuận lợi hơn. Trong các buổi tập, các cô giống như “nhạc trưởng” chỉ huy học trò của mình hát đúng nhịp.

Một điểm khác biệt khác của học sinh Xã Đàn trong ngày khai trường là sự hiện diện của chiếc máy chiếu. Từ nhiều năm nay, máy chiếu đã trở thành một “người bạn” không thể thiếu mỗi dịp khai giảng. Thư chúc mừng của Chủ tịch nước, nội dung, diễn biến của buổi lễ sẽ được nhà trường "bắn chữ" lên màn hình để các em khiếm thính nắm bắt được.
 
Để ngày khai trường thực sự là một ngày hội, ngay từ hè, thầy và trò trường Xã Đàn đã tập luyện các tiết mục văn nghệ. Học sinh học hòa nhập (học sinh bình thường) thì hát, học sinh khiếm thính thì múa, diễn kịch câm. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như kéo co, đá cầu, cầu lông…

“Mặc dù việc chuẩn bị và tập luyện cho các em mất nhiều thời gian hơn với học sinh bình thường, nhưng nhìn các em vui rạng rỡ, tôi cảm giác rất hạnh phúc vì thấy mình có ích hơn,” thầy Thành tâm sự.

Bám vai nhau diễu hành


Khác với nhiều nơi khác, trường Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hà Nội) tập trung học sinh từ ngày 27/8 nhằm diễn tập cho lễ khai giảng và đặc biệt là để giúp các em khiếm thính mới chập chững vào lớp 1 làm quen với không khí ngày trọng đại.

Chúng tôi tới trường Nguyễn Đình Chiểu vừa kịp lúc các em khối lớp 1 khiếm thị đang tập diễu hành. Mỗi lớp có chừng trên dưới 20 em, nối thành 2 hàng dài, chầm chậm từng bước đi, người đi sau đặt tay lên vai người đi trước. Vẻ lo âu, căng thẳng hiện rõ trên mặt nhiều em ở những bước “một hai” đầu tiên. Nhiều em cúi gằm như muốn thu mình sau lưng bạn.

Tuy nhiên, những tiếng vỗ tay vang dội từ khắp các khối lớp khiến các em tươi tỉnh hẳn, từng bước chân, những cái vung tay cũng xóa dần vẻ rụt rè, nụ cười “ngượng” chợt đến trên nhiều khuôn mặt thơ ngây.

Mỗi lớp đều được bố trí hai cô giáo nhiều kinh nghiệm chăm sóc riêng. Cô hướng dẫn các em cách nhận biết đường đi, vị trí tập kết. Tới lễ đài, cô nhẹ nhàng đặt tay lên vai từng em và nhắc “Lên bậc nào.” Cứ như vậy, từng em, từng em…

Cô Trương Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ đón thêm 3 lớp trẻ khiếm thính. Bởi thế, nhà trường cho các em tập trung khá sớm để ổn định tổ chức, đội hình đội ngũ và quan trọng là giúp các em khiếm thị làm quen với môi trường mới.

“Việc giúp các em định hướng và nhận biết cách đi lại trong những ngày mới vào trường là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi muốn các em thật tự tin trong ngày khai giảng sắp tới,” cô Tuyết tâm sự.

Đặc biệt hơn, năm nay, nhà trường sẽ cử một em học sinh khiếm thị lên phát động thi đua cho năm học mới. Theo cô Hiệu Phó nhà trường, năm ngoái việc này dành cho một học sinh “sáng,” nhưng năm nay nhà trường muốn cử một em khiếm thị nhận vinh dự này để các em mới vào cảm thấy gần gũi hơn.

Được biết, buổi lễ khai giảng tổ chức vào ngày 5/9 cũng sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ của các em khiếm thị. “Các em đã chăm chỉ tập cả tuần, háo hức chờ ngày biểu diễn,” cô Tuyết vui vẻ nói.

Ngày mai, hòa chung với niềm vui của 2,2 triệu học sinh cả nước, các em học sinh trường Xã Đàn và trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ chính thức bước vào năm học mới./.

Mai - Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục