Ngày làm việc thứ 2 Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Pháp luật

Các đại biểu thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Ngày làm việc thứ 2 Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Pháp luật ảnh 1Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Pháp luật. (Nguồn: quochoi.vn)

Ngày 28/8, Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Pháp luật tiếp tục làm việc ngày thứ hai tại Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc các đại biểu thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Về nội dung thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Trung ương và địa phương, phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Các đại biểu nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 để thể chế hóa kịp thời kết luận của Ban Bí thư, đồng thời quy định hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

[Phiên họp toàn thể lần thứ 20 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội]

Ngoài các nhóm vấn đề Chính phủ đề nghị sửa đổi, các đại biểu cho rằng còn một số vấn đề khác trong giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra... đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật lần này.

Thảo luận về các nội dung do Chính phủ trình, các đại biểu tập trung vào hai vấn đề chính là trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đều tán thành với quy định "đổi vai" trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng cơ quan trình, hơn ai hết là người biết cần phải xây dựng chính sách như thế nào, chính sách đó có nội dung ra sao và điều chỉnh như thế nào là hiệu quả nhất.

Việc thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, thảo luận của đại biểu Quốc hội phải là hoạt động phân tích, tranh luận, phản biện đối với chính sách, vấn đề trong dự thảo luật và cơ quan trình dự án có trách nhiệm phải giải trình, làm rõ trước Quốc hội.

Quy định cơ quan của Quốc hội chủ trì phối hợp trong tiếp thu, chỉnh lý như hiện nay dẫn đến cơ quan soạn thảo đùn đẩy trách nhiệm sang cơ quan chủ trì, thẩm tra. Cơ quan thẩm tra "ngại" nêu các vấn đề thẩm tra, phản biện, nhất là những vấn đề mà chính cơ quan thẩm tra cũng chưa biết hướng xử lý.

Vì vậy việc thực hiện "đổi vai" sẽ bảo đảm đúng chức năng của từng cơ quan; tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án; đề cao sự phản biện, qua đó góp phần đảm bảo tính khách quan, độc lập của hoạt động thẩm tra.

Việc lập Chương trình xây dựng, pháp lệnh cũng là nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu thực trạng việc xây dựng chương trình, pháp luật vẫn còn phổ biến tình trạng lùi, rút dự án; tính dự báo của chương trình không cao, tính "gối đầu" của dự án cho năm tiếp theo thấp, dẫn đến phải thường xuyên bổ sung dự án mới vào chương trình.

Nguyên nhân do một số quy định mới trong giai đoạn lập chương trình còn chưa rõ, dẫn đến việc hiểu và thực hiện còn thiếu thống nhất. Một số trường hợp nội dung chuẩn bị sơ lược, mang tính chiếu lệ cốt để đưa được tên dự án vào chương trình.

Để khắc phục hạn chế này, đại biểu Ngô Sách Thực, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật theo hướng sau khi các dự án luật, pháp lệnh đã được Chính phủ, các cơ quan chuẩn bị có đầy đủ hồ sơ thì Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho từng kỳ họp theo nguyên tắc.

Các dự án trình trong sáu tháng đầu năm sẽ được xếp vào kỳ họp cuối năm; các dự án trình trong sáu tháng cuối năm sẽ được xếp vào kỳ họp giữa năm sau. Với cách làm này, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ chủ động hơn trong việc xác định tiến độ, yêu cầu soạn thảo; cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội cũng chủ động và có nhiều thời gian hơn trong việc tiếp cận, nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, tham gia ý kiến...

Cho ý kiến vào Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc xây dựng báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo đã phản ánh cơ bản, đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm qua của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo cần đánh giá sâu hơn tác động của việc triển khai các nội dung đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh, việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Báo cáo cũng cần bổ sung đầy đủ, bao quát hơn về những tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị Quốc hội đưa kết quả 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Trong đó, đánh giá khái quát và ghi nhận về những việc đã làm được, phương hướng khắc phục những hạn chế và hướng xử lý đối với 21 dự án luật, pháp lệnh để định hướng cho công tác thi hành Hiến pháp trong giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục