Đến nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội - Huế) trong những ngày Xuân, khách du lịch lúc nào cũng đông, mới thấy sức sống mãnh liệt của Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam), di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.
Nhà hát hiện đã quy tụ hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để đưa Nhã nhạc cung đình Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua, phủ chúa xưa, nay đến rộng rãi với công chúng.
Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Nhà hát Duyệt Thị Đường đã tiến hành dàn dựng và biểu diễn các tiết mục đặc sắc được sưu tầm như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá; cùng một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyền Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân.
Một trong những người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ Nhã nhạc cung đình Huế lâu nay là nghệ nhân Trần Kích. Trước khi qua đời ở tuổi 93, ông đã kịp nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc để truyền nghề cho học trò.
Ông nêu tấm gương sáng, mẫu mực về tinh thần lao động hết mình để giữ gìn cho Huế những bài nhạc lưu truyền trong dân gian, không bị thất truyền. Hiện, Nhã nhạc cung đình Huế còn có 2 cây đại thụ cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn, đồng thời là anh em ruột, đó là cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử. Họ đều là những "Báu vật nhân văn sống" của Nhã nhạc cung đình Huế nhưng nay đều đã ngoài 90 tuổi.
Ngày trước, tham gia đội nhạc Hòa Thanh trong cung đình (còn gọi là Tiểu nhạc), cụ Lữ Hữu Thi nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp. Mỗi khi cất lên, tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xòa, lúc bay bổng âm thanh nghe như bướm lượn trong các đoạn Nam ai, Nam bình, trong Đăng đàn cung, thu phục lòng người đến mê hoặc. Cụ Cử cũng là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, ngoài các loại nhạc cụ như kèn, sáo, địch, cụ còn thổi được kèn Tây (Sexsophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng.
Những người nhạc công cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh ấy bây giờ lại bận rộn hơn trong công việc giúp nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của âm nhạc cung đình Huế. Cụ Cử hiện nay hơi nặng tai, do vậy, việc truyền dạy có phần hạn chế. Cụ Thi ngày ngày vẫn nhờ con cháu chở vào nhà hát truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công của nhà hát Duyệt Thị Đường.
Cụ hiện còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, có dịp chứng kiến cụ đàn ca, mới thấy hết ngọn lửa đam mê vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm hồn người nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn này. Mới đây, theo khuyến nghị của UNESCO, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lớp lập huấn giới thiệu những nghệ nhân là "báu vật nhân văn sống" của Huế, tiến tới thiết lập một hệ thống "báu vật nhân văn sống" của Việt Nam. Sự đóng góp của những nghệ nhân ấy thời gian qua đã góp phần làm giàu giá trị di sản văn hóa Huế.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang tổ chức định kỳ các khóa đào tạo cho nhạc công nhã nhạc trẻ, quảng bá và cung cấp thông tin cho cộng đồng và giới nghiên cứu về kết quả của dự án nhã nhạc, đồng thời đề xuất kiến nghị các chính sách quản lý bảo tồn loại hình văn hóa đặc thù này, cùng với các chế độ ưu đãi đặc biệt đối với nghệ nhân nhã nhạc.
Tỉnh hướng tới việc xây dựng trung tâm nghiên cứu văn hóa phi vật thể, để tập trung được các nguồn lực đầu tư cho công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Nhã nhạc cung đình Huế...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa, việc bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tập trung vào các nội dung chính như nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu; đào tạo và truyền dạy nghề, phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu; phục chế trang phục, các hoạt động quảng bá để phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế.
Các hoạt động bảo tồn nhã nhạc hướng vào chiều sâu, nhất là triển khai các đề tài nghiên cứu học thuật về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng vào các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc Huế.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn để chọn lọc và phục dựng trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc cung đình Huế.../.
Nhà hát hiện đã quy tụ hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để đưa Nhã nhạc cung đình Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua, phủ chúa xưa, nay đến rộng rãi với công chúng.
Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Nhà hát Duyệt Thị Đường đã tiến hành dàn dựng và biểu diễn các tiết mục đặc sắc được sưu tầm như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá; cùng một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyền Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân.
Một trong những người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ Nhã nhạc cung đình Huế lâu nay là nghệ nhân Trần Kích. Trước khi qua đời ở tuổi 93, ông đã kịp nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc để truyền nghề cho học trò.
Ông nêu tấm gương sáng, mẫu mực về tinh thần lao động hết mình để giữ gìn cho Huế những bài nhạc lưu truyền trong dân gian, không bị thất truyền. Hiện, Nhã nhạc cung đình Huế còn có 2 cây đại thụ cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn, đồng thời là anh em ruột, đó là cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử. Họ đều là những "Báu vật nhân văn sống" của Nhã nhạc cung đình Huế nhưng nay đều đã ngoài 90 tuổi.
Ngày trước, tham gia đội nhạc Hòa Thanh trong cung đình (còn gọi là Tiểu nhạc), cụ Lữ Hữu Thi nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp. Mỗi khi cất lên, tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xòa, lúc bay bổng âm thanh nghe như bướm lượn trong các đoạn Nam ai, Nam bình, trong Đăng đàn cung, thu phục lòng người đến mê hoặc. Cụ Cử cũng là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, ngoài các loại nhạc cụ như kèn, sáo, địch, cụ còn thổi được kèn Tây (Sexsophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng.
Những người nhạc công cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh ấy bây giờ lại bận rộn hơn trong công việc giúp nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của âm nhạc cung đình Huế. Cụ Cử hiện nay hơi nặng tai, do vậy, việc truyền dạy có phần hạn chế. Cụ Thi ngày ngày vẫn nhờ con cháu chở vào nhà hát truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công của nhà hát Duyệt Thị Đường.
Cụ hiện còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, có dịp chứng kiến cụ đàn ca, mới thấy hết ngọn lửa đam mê vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm hồn người nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn này. Mới đây, theo khuyến nghị của UNESCO, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lớp lập huấn giới thiệu những nghệ nhân là "báu vật nhân văn sống" của Huế, tiến tới thiết lập một hệ thống "báu vật nhân văn sống" của Việt Nam. Sự đóng góp của những nghệ nhân ấy thời gian qua đã góp phần làm giàu giá trị di sản văn hóa Huế.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang tổ chức định kỳ các khóa đào tạo cho nhạc công nhã nhạc trẻ, quảng bá và cung cấp thông tin cho cộng đồng và giới nghiên cứu về kết quả của dự án nhã nhạc, đồng thời đề xuất kiến nghị các chính sách quản lý bảo tồn loại hình văn hóa đặc thù này, cùng với các chế độ ưu đãi đặc biệt đối với nghệ nhân nhã nhạc.
Tỉnh hướng tới việc xây dựng trung tâm nghiên cứu văn hóa phi vật thể, để tập trung được các nguồn lực đầu tư cho công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Nhã nhạc cung đình Huế...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa, việc bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tập trung vào các nội dung chính như nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu; đào tạo và truyền dạy nghề, phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu; phục chế trang phục, các hoạt động quảng bá để phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế.
Các hoạt động bảo tồn nhã nhạc hướng vào chiều sâu, nhất là triển khai các đề tài nghiên cứu học thuật về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng vào các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc Huế.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn để chọn lọc và phục dựng trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc cung đình Huế.../.
Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)