Nghệ An: Cung rước ngọc xá lợi Phật ở chùa Đại Tuệ

Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã tổ chức nghinh rước ngọc xá lợi Phật từ sân bay Vinh về chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, Nam Đàn.
Ngày 24/8 (tức ngày 18/7 Quý Tỵ), Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An phối hợp với các sở, ngành, Ban trị sự các chùa cùng với đông đảo tăng ni, phật tử các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, người dân huyện Nam Đàn và các vùng phụ cận đã tổ chức nghinh rước ngọc xá lợi Phật từ sân bay Vinh về chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Dự buổi lễ có ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An ; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, xã Nam Anh cùng hàng ngàn tăng ni, Phật tử các tỉnh, thành trong cả nước.

Sau nghi thức cung thỉnh và an vị ngọc xá lợi Phật tại chùa Đại Tuệ còn diễn ra nhiều nghi thức như Lễ an vị ngọc xá lợi Phật cầu quốc thái dân an, Thụ trai, Lễ Tự tứ... Trước đó, các tăng ni, Phật tử cũng tổ chức tụng kinh Dược Sư cầu an; tụng kinh Di Đà cầu siêu, Báo ân phụ mẫu - tri ân.

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên động Thăng Thiên (thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, Nam Đàn). Tương truyền ngôi chùa này có từ thời vua Mai Hắc Đế (năm 627), sau được vua Hồ Quý Ly (thế kỷ 15) trùng tu. Do quá trình phong hóa của thời gian, thăng trầm của lịch sử, chùa Đại Tuệ đã bị hư hỏng chỉ còn lại một mái nhà tranh đơn sơ.

Với vai trò của ngôi chùa trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, trước nhiệt tâm nhiệt thành của thập phương Phật tử, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định phục dựng ngôi chùa, thỉnh sư trụ trì (Thượng tọa Thích Thọ Lạc) cùng với nhân dân và Phật tử thập phương chung tay góp sức xây dựng chùa Đại Tuệ có tổng diện tích 20 ha với gần 20 hạng mục, trong đó có 4 hạng mục chính là chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Các công trình đều mang nét kiến trúc văn hóa truyền thống dân tộc, hài hòa với không gian thờ tự, thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật pháp của tăng ni Phật tử, xứng đáng là một công trình văn hóa tâm linh./.

Viết Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục