Nghệ An huy động trẻ em khuyết tật học hòa nhập

Năm học 2011-2012, các trường học ở Nghệ An đã huy động được 4.353 trẻ em khuyết tật học hòa nhập và dành nhiều ưu tiên cho các em.
Năm học 2011-2012, các trường học ở Nghệ An đã huy động được 4.353 trẻ em khuyết tật học hòa nhập, trong đó có 44 cháu trong độ tuổi nhà trẻ, 886 cháu trong độ tuổi mẫu giáo học tại các trường mầm non; 2.739 em học tiểu học; 642 em học trung học cơ sở và 42 em học trung học phổ thông.

Năm học này, Trường Tiểu học Hưng Lộc, thành phố Vinh đã tiếp nhận 2 học sinh học hòa nhập tại trường, chủ yếu là các em dạng tật chậm phát triển trí tuệ.

Để giúp các em, giáo viên xây dựng cầu nối “đôi bạn cùng tiến” giữa bạn bình thường với bạn khuyết tật, sau đó giáo viên và học sinh cùng giúp đỡ em khuyết tật đó mạnh dạn trong giao tiếp, đưa bạn khuyết tật tham gia các trò chơi vừa sức với bản thân, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa,” cô giáo Lê Thị Mai, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Đối với những học sinh khiếm thị, các em được ưu tiên xếp ngồi bàn đầu tiên thuận lợi hơn trong học tập. Các bạn trong lớp còn giúp bạn khuyết tật đọc để chép lại sách giáo khoa sang chữ nổi. Đối với môn học có ký hiệu, các thầy cô mô tả kỹ lưỡng giúp học sinh tưởng tượng để hiểu và làm bài.

Hầu hết các nhà trường có học sinh khuyết tật tham gia học tập đều không thu phí và các lệ phí khác như học bạ, giấy thi. Nhà trường còn vận động giáo viên, học sinh trong trường quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.

Tuy nhiên, một số giáo viên do chưa được đào tạo bài bản kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy trẻ khuyết tật mà chỉ dựa trên kinh nghiệm, sự yêu thương học trò để truyền đạt nên còn nhiều lúng túng. Cùng một nội dung chương trình, một phương pháp giáo dục không thể áp dụng chung với trẻ khuyết tật và trẻ bình thường, thậm chí trẻ khuyết tật nặng không có khả năng tự phục vụ nên đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều công sức, trong khi các chế độ, chính sách với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn hạn chế...

Vượt lên những trở ngại đó, các nhà trường đã dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên đối với học sinh khuyết tật. Tuy gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, nhưng bản thân các em học sinh khuyết tật đều rất cố gắng để vươn lên. Chính vì thế, chất lượng học tập của các em rất khả quan, nhiều em đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp./.

Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục