Nghệ An: Lan tỏa tình thương nơi giáo xứ Nghi Lộc

Những số phận bất hạnh tìm đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật 19/3 của vị linh mục ở giáo xứ Nghi Lộc để được chở che.
Sáu giờ sáng, chiếc loa nhỏ treo góc trần nhà phát những nốt nhạc du dương tình ca Thiên Chúa, chào một ngày mới. Những tia nắng ban mai chiếu vào căn phòng, lấp lánh trên những cây thập tự nhỏ xíu, đu đưa trên cổ áo các cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi.

Một ngày như mọi ngày, tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật 19/3 của Linh mục Nguyễn Đăng Điền - giáo xứ Nghi Lộc, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sau giờ cầu kinh sáng, các xơ cần mẫn, dịu dàng chăm sóc những số phận bất hạnh nơi phòng bệnh.

“Chăm sóc, phục vụ những người bệnh bình thường đã khó, với trẻ em khuyết tật còn khó hơn nhiều. Dù đau đớn, bất hạnh về thể xác từ khi sinh ra, nhưng các em cũng là một con người, một nhân vị như bao con người khác và họ cũng luôn mong muốn được chia sẻ, được yêu thương.” Xơ Maria Damiano Phạm Thúy Quỳnh chia sẻ như vậy khi kể về công việc thầm lặng của gần 20 chị em trong dòng Thừa Sai Đức Mẹ đang hàng ngày dâng hiến tuổi xuân cho công việc chăm sóc các em nhỏ khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật 19/3, xã Nghi Diên.

Những mảnh đời không trọn vẹn

Câu chuyện sẻ chia giữa đạo và đời được bắt đầu từ một buổi sáng Chúa Nhật cách đây hơn 10 năm, trên con đường về quen thuộc sau buổi chủ lễ Cầu nguyện cuối tuần. Ngang qua một căn nhà nhỏ, Linh mục Nguyễn Đăng Điền, bắt gặp hai đứa trẻ khuyết tật nằm co quắp giữa đống phân trâu.

Rớt nước mắt, ông cởi áo, lau sạch những vết bẩn bám trên người hai đứa trẻ. Một quyết định lóe lên trong đầu người con Chúa, ông dạm hỏi chủ nhà, đem chúng về nuôi. Và từ thời điểm đó, vị Linh mục già bắt đầu cho mình một cuộc sống mới, ban tình thương yêu bao la của Thiên Chúa cho những mảnh đời không trọn vẹn.

Câm, điếc, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, liệt tứ chi…, những số phận bất hạnh cứ thế tìm đến với ông, mong được giúp đỡ, chở che. Từ những ngày đầu cơ cực, hơn 10 năm vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, bằng tình thương vô bờ của vị Linh mục nhân từ, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật 19/3 trở thành mái ấm của gần 150 người khuyết tật từ mọi miền đất nước tìm đến địa chỉ đầm ấm tình người này.

Giải thích về cái tên 19/3, Linh mục Nguyễn Đăng Điền cho biết: “Đó là ngày đầu tiên Trung tâm đón hai cháu khuyết tật về nuôi dưỡng, cũng là ngày Lễ Thánh Giuse.” Cần cù góp sức, góp công, đến năm 2003, Linh mục Nguyễn Đăng Điền đã vận động được một nguồn tài chính 600 triệu đồng để xây dựng nên cơ ngơi như bây giờ.

Từ các mối quan hệ, tranh thủ vận động chính quyền địa phương, nhà hảo tâm đến những người con dân Chúa, sau 12 năm thành lập, Trung tâm của ông đã mở được 4 địa điểm tại Nghi Diên, Nghi Vạn, Quỳnh Xuân, Nghi Phong (Nghệ An). Hiện nay, ông vẫn là người tài trợ chính để duy trì sự hoạt động Trung tâm. Một ngôi nhà 2 tầng, diện tích độ dăm chục mét vuông, nhà chính được chia thành 4 căn phòng nhỏ để các em ở, một dãy nhà ngang nối tiếp sau để làm bếp nấu ăn, tắm giặt và là chỗ ở cho các chị, các mẹ.

Nhắc đến những tấm thân tàn tật đầy nước mắt, Linh mục Điền nhớ lại trường hợp đầu tiên được ông đón về nuôi hơn 10 năm, là một người đàn ông, đến lúc qua đời khoảng 40 tuổi. Do bệnh nặng, dị tật bẩm sinh, thân thể người đó khi được ông đón về thật đau đớn, bị dị dạng co quắp, hai tay quắp chặt lấy sau lưng như bị trói, lại thêm bị câm điếc. Suốt những năm tháng ở Trung tâm, cho đến giây phút cuối cuộc đời người bệnh, anh luôn được cha Điền và các xơ chăm sóc, chia sẻ đặc biệt.

Hàng ngày, sau mỗi giờ cầu kinh, Linh mục Điền đều cố gắng dành thời gian thăm gặp các em, quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm. Ông quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của các em, thường xuyên dặn dò các xơ, các mẹ chăm lo sát sao đến hoàn cảnh từng em, chuyện trò, động viên để các em vơi đi nỗi đau về thể xác.

Những trường hợp được Trung tâm 19/3 nuôi dưỡng, chăm sóc đều là những ca tàn tật nặng, với đủ thứ bệnh tật, trong đó có một số em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, viêm não, mất khả năng nhận thức. Nhưng nhiều nhất là những trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh. Thương tâm hơn, có cả những em đến với Trung tâm do bị cha mẹ và gia đình bỏ rơi, có em không cha, không mẹ, có em gia đình nghèo không thể nuôi nổi rồi gửi vào trung tâm... Mới đầu là từ các huyện trong tỉnh Nghệ An, tiếng lành đồn xa, người dân từ các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi cả đến Kon Tum, miền Trung Tây Nguyên cũng dạm tiếng, nhờ cậy cha Điền nhận về nuôi dưỡng.

Cũng chính bởi các em vào đây thường bị dị tật nặng, không đi lại được, nhiều em không nói được, lại mắc những chứng bệnh lở loét đòi hỏi phải thường xuyên lau rửa, vệ sinh nên việc chăm sóc các em rất tốn thời gian và đặc biệt là phải có lòng kiên nhẫn.

Xơ Quỳnh kể, có một em quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), dù đã hơn 30 tuổi nhưng chỉ lớn bằng đứa trẻ 10 tuổi, bị dị tật méo miệng, chân tay co quắp do bệnh não bẩm sinh, lại mồ côi bố mẹ. Hay những em bị chất độc da cam do di chứng chiến tranh để lại những lúc trời trở gió do căn bệnh tái phát làm cho các em đau quằn quại...

Những lúc như thế, các xơ lo lắng, đôn đáo, ngày bỏ ăn, đêm bỏ ngủ để thức trông các em, xoa dịu những nỗi đau đang hành hạ trên cơ thể. Trong số các em được nuôi dưỡng tại Trung tâm, chỉ có một vài em là bập bẹ nói được đôi từ, còn lại nằm một chỗ, mắt trợn, chân tay cong queo, thân hình dị dạng…đầy thương cảm.

Hay trường hợp một cháu trai quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, bại liệt nằm một chỗ, chỉ nghe chứ không nói được nhưng vẫn ý thức, lờ mờ hiểu được những việc xung quanh mình. Hoặc một cậu bé 17 tuổi nhưng chỉ lớn bằng bé 5, 6 tuổi quê ở Nghệ An, hai chân bị liệt, thiểu năng, mất trí nhớ... Tất cả đều được chào đón, chăm sóc, nuôi dưỡng với tình cảm chân thành, đầy tình yêu thương, như người thân trong gia đình.

Ban tặng hồng ân Thiên Chúa

Bất kể đêm ngày, khó khăn vất vả, từ vị Linh mục tuổi hơn 80 đến những nữ tu tuổi mười tám, đôi mươi đều coi công việc tình nguyện ở Trung tâm như mục đích sống lớn lao của đời mình. Rơi nước mắt cùng những cơn đau hành hạ trên thân thể các em, rơi nước mắt vì nụ cười hiếm hoi trên các gương mặt héo úa vì dấu vết tật nguyền, với những con người có “trái tim bằng vàng,” Trung tâm 19/3 thực sự là nơi gieo mầm của tình thương nhân loại.

Trên con đường thiện nguyện, ban tặng hồng ân Thiên Chúa, người Cha hiền từ tóc bạc trắng vì thời gian luôn nỗ lực duy trì hoạt động của Trung tâm. Hơn 100 con người với hàng chục bệnh tật, đều là nan y, Trung tâm buộc phải có nguồn kinh phí tối thiểu để trang trải cuộc sống, giúp các em đấu tranh với bệnh tật. Chúa ban ơn lành, những năm qua, nhiều mạnh thường quân và cả đồng bào, giáo dân đồng cảm với nỗi đau của các số phận nghiệt ngã và vị nể tấm lòng bao la của Linh mục Nguyễn Đăng Điền đã tự nguyện tìm đến thăm nuôi các em, đóng góp, ủng hộ để Trung tâm trang trải chi phí hoạt động.

Để có thêm kinh phí, các xơ, các chị, các mẹ ở Trung tâm đã học nghề đan lát, may thêu, làm đồ thờ cúng, mở thêm dịch vụ bán sách, đánh máy vi tính, làm hoa nhựa, làm thiệp chúc mừng... tạo thêm nguồn thu, có thêm cân đường, hộp sữa, toa thuốc cho các em bồi bổ sức khỏe, chống chọi với bệnh tật.

“Chăm sóc các em vì lòng mến thương Chúa, để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc,” chia sẻ nhẹ nhàng, giản đơn nhưng vô cùng cao quý ấy của xơ Phạm Thúy Quỳnh như một tiếng nói chung cho mỗi người chị, người mẹ nhiều năm gắn bó trong mái nhà 19/3 ấm áp này.

Không phân biệt, kỳ thị trong đối xử và nhất là không ngại khó, ngại khổ, nhiều năm phục vụ hàng chục con người mất khả năng tự vệ sinh là một thử thách cực lớn đối với mỗi người chị, người mẹ nơi đây. Dù không thân thích, nhưng tất cả các bệnh nhân đều nhận được sự chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ và chi tiết đến từng cái quần, cái áo, từng bát cơm, giấc ngủ.

Xơ Quỳnh kể tiếp: "Dù công việc rất đặc thù nhưng các xơ không bao giờ buồn, hay nản chí. Chúng tôi lấy các em làm niềm vui cho cuộc đời dâng hiến của mình; lấy niềm vui của các em làm hạnh phúc cho chính mình. Chúng tôi nguyện sống và làm theo lời Chúa: “Yêu thương con người như chính bản thân mình vậy.”

Cần mẫn như những con ong chăm chỉ, ngày qua ngày, họ cứ miệt mài âm thầm lặng lẽ, thức khuya dậy sớm, nâng niu chăm sóc các em với tấm lòng một người mẹ, người chị nhân hậu.

Nhắn nhủ trước khi chia tay, với khuôn mặt thánh thiện, ánh mắt ngập tràn niềm tin, xơ Phạm Thúy Quỳnh nhỏ nhẹ: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm sao để các em đỡ thiếu thốn, vơi đi nỗi buồn, quên đi đau đớn và đem lại cho các em niềm hạnh phúc trong cuộc sống"./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục