Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại

Trường hợp một bệnh nhân ở Bạc Liêu đi khám bệnh 31 lần trong một tháng và sau 4,5 tháng họ được chỉ định dùng 112 loại thuốc với tổng số 4.664 viên/ống các loại.
Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại ảnh 1Chữa bệnh cho người dân tại một trạm y tế. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Chưa bao giờ câu chuyện về lãng phí trong ngành y tế lại trở nên "nóng" và diễn ra dồn dập như hiện nay.

Điển hình là vụ 20.000 viên thuốc điều trị ung thư lưu kho đến hết hạn, phải tiêu hủy; việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện sự lãng phí khủng khiếp trong lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế vừa ​báo cáo Quốc hội​ hay việc đi khám bệnh đã trở thành một nghề khi nhiều đối tượng khám bệnh vài lần trong một ngày tại nhiều cơ sở y tế khác nhau để nhận thuốc do Bảo hiểm Y tế chi trả... khiến nhiều người ngỡ ngàng.

[Phát hiện lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm thiết bị y tế]

Tại tỉnh Bạc Liêu, có đối tượng đi khám bệnh 31 lần trong một tháng và sau 4,5 tháng họ được chỉ định dùng 112 loại thuốc với tổng số 4.664 viên/ống các loại.


Đi khám mỗi lần ra một bệnh

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thời gian gần đây, tình trạng trục lợi nguồn ngân sách Qũy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ ngày càng cao, thông qua mắt xích là người bệnh với cơ sở y tế.

Ông Dương Tuấn Đức – ​Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế cho hay, chẳng hạn như bệnh nhân tên Triệu V. ở Bạc Liêu, từ tháng Một cho đến nay đã đi khám bệnh 112 lần (trong vòng 4,5 tháng). Có những bệnh nhân này trong cùng một ngày đi khám ở hai bệnh viện khác nhau và được ​các bác sỹ chẩn đoán hai bệnh khác nhau, thậm chí cùng một bệnh viện, đi khám hai ngày khác nhau thì nhận được hai chẩn đoán khác nhau!

Đáng lưu ý, trong tháng Một ông V. đã đi khám 21 lần, tháng Hai đi khám 25 lần (trong đó có 7 ngày Tết), tháng cao điểm là tháng Ba với 31 lần, tháng Tư đi khám 26 lần, từ đầu tháng Năm đến ngày 18/5 đi khám 9 lần.

“Như vậy, bệnh nhân này liên tiếp đi khám các ngày trong tháng và có lẽ đây cũng là một nghề,” ông Dương Tuấn Đức ​nhận xét.

Một nam bệnh nhân khác đi khám ngày 3/1 tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh được bác sỹ tại đây chẩn đoán tăng huyết áp. Điều lạ là cũng trong ngày hôm đó, bệnh nhân trên đến Bệnh viện quận Tân Bình khám và được bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Ngày hôm sau (4/1) bệnh nhân này quay lại Bệnh viện quận Tân Bình thì ngạc nhiên hơn khi bác sỹ chẩn đoán bị xơ vữa động mạch.

[Chênh lệch hàng tỷ đồng giữa kế hoạch và thực tế sử dụng vật tư y tế]

“Như vậy, bệnh nhân mỗi lần khám lại ra một bệnh. Không chỉ có vậy, hai bệnh viện này có chẩn đoán khác nhau nhưng lại cùng cho bệnh nhân những thuốc trùng lặp. Chẳng hạn như, bệnh nhân trên được bác sỹ chỉ định tiêm một ngày 4 mũi tiêm thuốc tiểu đường. Với số lượng thuốc này nếu bệnh nhân dùng thì chắc chắn ngày hôm sau không thể đi khám được, hoặc họ sẽ trở thành một sự kiện của ngành y tế vì với số lượng thuốc như vậy bệnh nhân không thể duy trì được,” ông Đức chỉ rõ.

Bệnh nhân này sau đó, ngày 5-6/1 lại đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh điều trị thoái hóa cột sống. Tại đây, mỗi ngày bệnh nhân được kéo và nắn cột sống hai lần, điều trị sóng ngắn hai lần, điều trị tia hồng ngoại hai lần. Ngày hôm sau cũng tương tự như vậy.

Sau đó bệnh nhân lại đến bệnh viện quận Tân Bình ngày 12/1 và được điều trị 10 lần bằng siêu âm, mỗi lần siêu âm mất 20 phút, như vậy bệnh nhân mất 200 phút để điều trị siêu âm.

“Như vậy, có thể thấy việc chỉ định của các cơ sở y tế đang có vấn đề,” ông Đức phân tích.

Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại ảnh 2 Ông Dương Tuấn Đức – Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một trường hợp khác là bà Trần Thị H. ở Thành phố Hồ Chí Minh đi khám tại Phòng khám đa khoa Phước An 87 lần trong 4 tháng.

Ông Nguyễn Văn H (hưu trí) đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, với tổng chi phí là hơn 30 triệu đồng. Mỗi ngày ông H. khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như bệnh tăng huyết áp, bệnh hô hấp…

Trường hợp khác là bà Mã Bửu Ng. sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, bà đã đi khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 40 triệu đồng.

Bà Ng. cũng thường xuyên đi khám 2-3 lần/ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, được chỉ định nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý xương khớp, bệnh lý tiết niệu, bệnh lý mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang, tâm thần kinh, hen…

Uống gần 5.000 viên thuốc trong hơn 4 tháng

Qua công tác giám sát việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ đầu năm đến nay cho thấy, bệnh nhân tên Triệu V., ở Bạc Liêu trong 4,5 tháng, ông V. đã đi khám 112 lần tại bốn cơ sở y tế và được cấp 112 loại thuốc với tổng số 4.664 viên/ống (trị giá gần 14 triệu đồng). Như vậy, trung bình mỗi ngày bệnh nhân uống khoảng 35 viên thuốc các loại.

Số tiền khám chữa bệnh và tiền thuốc trên ông V. đã được hưởng tại các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh đang đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm.

Ngày 23/5, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, trong 5 tháng qua, đơn vị này đã thống kê và phát hiện gần 2.800 người đi khám từ 50 lần trở lên trong 4 tháng đầu năm, với hơn 160.000 lượt khám, trong đó có người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ Tết.

Ngoài ra, có 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng.

Bà Trần Thị S. (ở Sóc Trăng) từ 1/7/2016 đến 20/5/2017 đã đi khám bệnh 215 lần. Từ đầu năm 2017 đến nay bà đã đi khám 114 lần, liên tục ngày nào cũng điện châm với tổng số tiền hơn 16 triệu đồng.

Chỉ tính riêng số tiền điện châm điều trị đau lưng của bà S. là trên 16 triệu đồng. "Những bệnh nhân điều trị không khỏi, không đỡ, tại sao không chuyển lên tuyến trên, phải chăng có sự lạm dụng chỉ định tại cơ sở y tế?” - ông Dương Tuấn Đức thắc mắc.

Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại ảnh 3Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nằm viện. (Ảnh: TTXVN/Vietnm+)

Qua phân tích dữ liệu toàn quốc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, bước đầu đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán… với số tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng/1 loại dịch vụ/tại 1 bệnh viện.

Chẳng hạn như kỹ thuật phẫu thuật thay thủy tinh thể (Phaco) một mắt đơn thuần chỉ cần nằm viện 1,7 ngày. Nhưng tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa giữ bệnh nhân ở lại điều trị mất 7,1 ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cần 6,3 ngày, Bệnh viện Mắt Sơn La là 7,5 ngày..., với mức chênh lệch riêng về tiền giường của các bệnh viện trên lên đến gần 2 tỷ đồng.

Theo vị đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, điều đáng quan tâm là trong nhóm bệnh nhân dịch vụ thực hiện kỹ thuật này chỉ cần nằm viện một ngày và đặc biệt là, chỉ có bệnh nhân bảo hiểm y tế mới bị kéo dài ngày nằm viện!

Trước tình trạng trục lợi quỹ Bảo hiểm Xã hội ngày càng tinh vi và diễn ra trên diện rộng, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này đang cân nhắc tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, thậm chí thu hồi thẻ bảo hiểm y tế của những cá nhân có biểu hiện trục lợi.

Đề cập đến những giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ông Phạm Lương Sơn thẳng thắn: “Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang kiến nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh tra việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các địa phương. Nếu phát hiện sẽ kiên quyết áp dụng hình thức xử lý cao nhất.”/.

Ông Dương Tuấn Đức – Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế chia sẻ tại cuộc họp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục