Từ một cô sinh viên Thương mại “non nớt,” chỉ sau hơn hai năm trải nghiệm trong vị trí nhân viên môi giới chứng khoán, Vân Hà đã nhanh chóng sắm được một chiếc xe hơi nhỏ và một căn hộ tại Hà Nội. Tuy nhiên niềm vui không thể kéo dài, sau đó những cái "bẫy lợi nhuận” đã lấy lại nhiều hơn những thành quả mà Hà kiếm được trước đó.
“Cám dỗ” vào nghề
Năm 2005, vừa chân ướt, chân ráo bước ra khỏi cổng trường đại học, Hà may mắn tìm được việc làm tại một công ty chứng khoán. Là một người thông minh, nhanh nhẹn nên chỉ sau vài tháng thử việc, Hà đã chính thức thành nhân viên môi giới.
Hà kể lại, khi đó thị trường bắt đầu phát triển có những giai đoạn cứ mua được chứng khoán là có lãi. Nhà đầu tư xếp hàng từ sáng sớm để đặt lệnh, nhân viên môi giới nghiễm nhiên trở thành nhận vật "VIP”. Ngoài những cơ hội vào lệnh mua-bán kịp thời cho cá nhân mình, các nhân viên môi giới còn có thể kiếm được những khoản bồi dưỡng hậu hĩnh từ các nhà đầu tư “ruột” thưởng cho hàng tháng, với mục đích là ưu tiên vào lệnh cho họ sớm.
“Kiến tiền quá dễ và lạc quan vào khả năng nắm bắt thông tin của mình, tôi tự tin hơn trong quá trình đầu tư. Với lợi thế của công việc và kết quả đầu tư chơi một lãi một, nên tôi dễ dàng huy động thêm vốn của người thân gấp rất nhiều lần số vốn ban đầu, tiền cứ đẻ ra tiền sau từng đêm” – Hà kể.
Đến với chứng khoán từ năm 2004, chị Trần Thị Linh rời bỏ chuyên ngành học ngoại thương chuyển sang làm môi giới cho một công ty chứng khoán thuộc diện hàng đầu Việt Nam.
Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cùng với đa phần đồng nghiệp đều tu nghiệp ở nước ngoài về, chị Linh trưởng thành rất nhanh. Mặc dù còn trẻ nhưng chị Linh đã được cất nhắc lên vị trí Phó giám đốc chi nhánh, phụ trách mảng phát triển dịch vụ chứng khoán, tổng thu nhập hàng tháng của Linh lên tới cả 100 triệu đồng.
Không thuận lợi như những người đồng nghiệp đi trước, Vũ Đức Trung tốt nghiệp Khoa Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân năm 2007, ra trường đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán gặp khó khăn, song trước sự hấp dẫn và thách thức của nghề môi giới đã thôi thúc Trung thi tuyển vào công việc trái nghề của mình.
Trung cho biết: “Bố tôi, không ủng hộ cho tôi thi tuyển vào công việc môi giới chứng khoán. Theo bố tôi, với năng lực và kiến thức được học thì các công việc trong lĩnh vực ngân hàng hay xuất nhập khẩu phù hợp với tôi hơn. Ông cho rằng nghề môi giới chứng khoán rất bấp bênh, thậm chí là cần rất nhiều tiểu xảo…”
Tuy nhiên trước sự phản đối của gia đình, anh Trung vẫn quyết tâm bước vào nghề. Trung khẳng định, tôi thích nghề này bởi nó có nhiều thách thức và luôn bắt người ta phải đổi mới. Hơn nữa, chưa một nghành nào lại đòi hỏi nhân sự phải cập nhật thông tin vĩ mô, thông tin doanh nghiệp, kiến thức đa chiều… nhiều hơn nghành chứng khoán.
“Một điểm thú vị khác, công việc môi giới chứng khoán cho phép tôi tiếp xúc rất nhiều khách hàng. Họ vốn là những người thông minh, nhạy bén và quyết đoán. Chính họ là những người thày truyền đạt cho tôi kiến thức kinh doanh trong thực tiễn,” Trung nói.
Mặt khác Trung cũng cho biết, mặc dù thị trường đang trong giai đoạn khó khăn và cạnh tranh nhưng chỉ cần công ty chứng khoán có những chính sách ưu đãi tốt đối với khách hàng thì một tay môi giới nhỏ như anh cũng vẫn duy trì được mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Đối với Trung, một sinh viên mới ra trường vừa có điều kiện học hỏi, vừa có thu nhập khá, như vậy là quá ổn.
“Nếu người môi giới phát triển được thành những tay trưởng nhóm linh hoạt, quản lý trong tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng của khách hàng. Khi đó họ có thể dùng tiềm lực tài chính dẫn dắt từng mã chứng khoán theo định hướng, thì thu nhập của những người này là cực kỳ lớn,” Trung nói.
Đêm dài lắm mộng
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán non trẻ Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều người đến với nghề môi giới chứng khoán không phải do chủ đích, thậm chí ban đầu chỉ là theo phong trào, xu hướng kiếm tiền thời thượng.
Chính những nhận thức không mấy rõ ràng về cái nghề tương đối mới mẻ này mà không ít người đã phải trả giá cho những quyết định vội vàng của họ.
Hiện tại, Vân Hà đã không còn làm việc trong lĩnh vực chứng khoán nữa. Sự đam mê đã khiến cho Hà bị mắc cạn tại đỉnh những con “sóng lớn”. Sau đó, vì thiếu kinh nghiệm Hà lao vào bắt đáy, thành ra lãi chẳng thấy đâu, giá trị cổ phiếu cứ ngót theo từng phiên.
Kết quả là những người thân không còn tin tưởng vào cô và họ liên tục đòi rút vốn. Hà rơi vào trong tình trạng gia đình thì lục đục, người nhà thì oán trách, tài sản thì đội nón ra đi.
Không muốn kể cụ thể về những mất mát của mình, chị Linh khái quát: "Do không ý thức được vấn đề trên thị trường, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp chạy theo đám đông vì vậy tổn thất là không thể tránh khỏi."
“Vì những lý do tế nhị, tôi không thể nói rõ những bài học ‘để đời’ của người làm chứng khoán như chúng tôi. Nhưng có thể hình dung, có những người một thời rất giàu có, nắm trong tay số lượng cổ phiếu (tại một mã chứng khoán) chi phối thị trường, mà đã phải đăng ký chào bán lô chứng khoán đó tại thời điểm đáy thấp nhất của năm 2009 thì thấy rõ tình hình tài chính của họ đã căng thẳng đến mức nào,” chị Linh chia sẻ.
Anh Quang Minh, chuyên viên tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra, thời điểm đầu năm 2010, nhiều tay môi giới vẫn làm ăn tốt là nhờ vào chiến thuật “thổi” mã chứng khoán. Tuy nhiên, không phải bất cứ hoạt động “dẫn dắt” thị trường nào cũng thành công. Nhiều khi “gậy ông lại đập lưng ông,” nhà đầu tư bây giờ họ rất “khôn” và dính đòn nặng nhiều khi lại là những tay môi giới “ranh ma.”
Theo ông Trần Trí Dũng, MBA Tài chính - Giám đốc Công ty DHVP Economic Research VietNam, nhìn chung năng lực của các nhân viên trong lĩnh vực môi giới chứng khoán vẫn còn yếu kém. Đa phần là họ dùng cách chính sách tín dụng, ưu đãi của công ty để lôi kéo khách hàng, mà chưa giúp được nhiều cho quá trình ra quyết định, quản lý đầu tư của khách hàng. Trong khi đó, người nào thực sự có năng lực và làm việc hiệu quả họ sẽ có xu hướng tách khỏi công ty tự làm riêng với khách hàng.
Nhận thức thời điểm quá độ của thị trường rồi cũng qua đi, chị Linh cho rằng nếu bằng lòng với vị trí hiện tại thì sẽ không có đủ kiến thức để tiến xa. Chị Linh quyết định từ chức và xin chuyển sang làm chuyên viên phân tích thị trường và doanh nghiệp.
“Để trở thành một môi giới chứng khoán chuyên nghiệp, cần thiết phải có đủ bản lĩnh, không thể bỏ qua giá trị nội tại để chạy theo thị trường mà làm liều. Nhìn những gì đang xảy ra trên thị trường đã khiến tôi phải học nhiều hơn nữa để có đủ khả năng chủ động trong các quyết định của mình,” chị Linh tâm sự./.