Nghề môi giới công nghệ: Mới quá hóa khó

Xã hội đã quá quen với nghề môi giới, nhưng nghề môi giới công nghệ thật sự là mới mẻ, ăn theo sự phát triển của thị trường còn khá non trẻ.
Là một nhà báo chuyên theo mảng khoa học công nghệ, một năm trở lại đây, anh H có thêm nghề tay trái “môi giới chuyển giao công nghệ”. Nhưng anh bảo, nghề này chưa được chính danh nên khó lòng phát triển.

Vừa chắp mối thành công cho một vụ mua bán công nghệ về sản phẩm thực dưỡng có giá trị đến cả nghìn tỷ đồng, nhưng anh H vẫn chưa biết được mình sẽ thu được bao nhiêu phần trăm phí môi giới. Bởi vì điều này tùy thuộc vào sự hảo tâm của nhà khoa học - bên bán và cả từ nhà doanh nghiệp - bên mua.

Sự hảo tâm trong một hợp đồng kinh tế cho thấy tính không chuyên nghiệp của chính các bên tham gia.

Môi giới công nghệ - Anh là ai?

Xã hội đã quá quen với nghề môi giới. Dường như bất cứ lĩnh vực nào cứ có cung, có cầu là ắt có đất cho môi giới - mà dân gian vẫn gọi là “cò” sinh sống. Nhưng nghề môi giới công nghệ thật sự là mới mẻ, ăn theo sự phát triển của thị trường còn khá non trẻ.

Giới trong nghề thừa nhận rằng, phải đến năm 2005, khi mà Hội chợ công nghệ và thiết bị quy mô quốc gia đầu tiên - Techmart được tổ chức, thị trường công nghệ mới trở nên có sinh lực. Cứ mỗi đợt Techmart (2 năm một lần cấp quốc gia) lại có các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết và công bố với giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Cũng từ đó, những người hành nghề môi giới bắt đầu nhập cuộc, tạo thêm cho thị trường sự nhộn nhịp cần có. Nhưng cũng phải đến năm 2007, nghề môi giới công nghệ mới được điểm mặt kể tên khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực.

Nhưng dường như ngoài việc được định danh, thì nghề này vẫn chưa hề được định hình cụ thể. Trả lời câu hỏi: “Môi giới công nghệ - Anh là ai?”, anh H cười “về lý thuyết là tất cả mọi người” vì đến nay vẫn chưa hề có quy định nào đối với việc hành nghề này, cả về địa vị pháp lý lẫn yêu cầu nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp...

Không đơn thuần như việc mua bán một bất động sản, cũng không phải chỉ đòi hỏi kiến thức và đầu óc tính toán như môi giới chứng khoán, môi giới công nghệ đòi hỏi một sự am hiểu nhất định (ít nhất về một lĩnh vực khoa học công nghệ) bởi lĩnh vực này hoàn toàn có thể ví như ma trận của thông tin, lý thuyết khoa học và thực tiễn…

Vậy nên, muốn trở thành “bà mối mát tay” trong lĩnh vực khoa học công nghệ, người môi giới phải có nhiều thông tin, nhiều mối quan hệ, và thậm chí phải đủ “thính nhạy” để có thể “ngửi” được ở đâu sinh lời.

Trở về trường hợp của anh H, trong một cuộc chuyện trò với người bạn, nghe bạn than vãn, tiền giờ không biết làm gì, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hay vàng đều rủi ro.

Anh H chợt nhớ đến ông giáo sư ở Viện nghiên cứu nọ cũng không biết làm gì với mấy công trình nghiên cứu khoa học của mình. Trong "một khoảnh khắc của số phận" - anh bảo vậy, anh H đã nghĩ đến việc thuyết phục người bạn doanh nhân của mình quan tâm đến đầu tư vào công nghệ và hướng đến kết quả nghiên cứu chất chiết xuất dùng để làm thuốc chữa bệnh của vị giáo sư nọ. Ai ngờ, sự hợp tác không chỉ thành công mà còn vận hành tốt, đến giờ doanh nhân và chính vị giáo sư vẫn thu lợi nhuận đều đều từ thương vụ này.

Kể từ đó, anh thấy mình cũng đổi khác. Khi tác nghiệp, ngoài tư duy viết bài, anh để tâm đến những đề án, công trình nghiên cứu nhiều khi bị ngủ quên trong các viện. Từ đó, đãi lấy những dự án triển vọng và tìm cho nó một người có khả năng biến nó từ trang giấy thành những sản phẩm ngoài đời.

Thời gian trôi đi, đã có thêm những hợp đồng anh chắp mối thành công, nhưng có một điều vẫn không thay đổi anh không có thói quen ngã giá phần trăm hoa hồng. Ngay cả khi Luật Chuyển giao công nghệ có quy định, phần trăm cho môi giới có thể đến 10% giá trị hợp đồng. Anh đã vậy, hai đối tác chính của hợp đồng cũng không chuyên nghiệp hơn là mấy.

Các nhà khoa học chưa có thói quen tư duy thị trường, không phải ai cũng có thể đứng ra bán bản quyền công trình của mình cả chục tỷ đồng, họ thường chỉ nghiên cứu, và lúng túng ngay cả khi có người chào mua. Lúc đầu có thể ưng ý với mức giá này, điều khoản thế kia, nhưng lại có thể thay đổi ngay cả khi đã đặt bút ký hợp đồng.

Vậy nên, không phải ai cũng có khả năng hay cái duyên để có thể làm người thương thuyết với các nhà khoa học.

Tham gia vào chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp gặp khó khăn không ít. Phần nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra xu hướng đầu tư hiệu quả - mua công nghệ. Phần không nhỏ doanh nghiệp có thể nhận ra nguồn lợi nhưng lại không có khả năng tiến hành mua bán công nghệ. Họ rất cần đến vai trò của các tổ chức, cá nhân môi giới công nghệ. Nhưng đội ngũ này hiện vẫn manh mún và tự phát.

Đường đến chuyên nghiệp

Theo ông Tạ Bá Hưng - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia, trong chuyển giao công nghệ, thuật ngữ “đối tác” được nhấn mạnh với ý nghĩa, cần quan hệ mật thiết hơn nhiều so với “mua đứt - bán đoạn”, một sự hợp tác trên cơ sở bền vững. Việc hình thành quan hệ hợp tác bền vững rất cần trợ giúp từ tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, giống như những “bà mối”. Bà mối là người có điều kiện đi sâu tìm hiểu các bên, là người làm chứng và bảo lãnh uy tín của các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

Đòi hỏi này khiến cho môi giới cần phải chuyên nghiệp hơn nhưng đường đến chuyên nghiệp lại không đơn giản. Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Ngô Tất Thắng - Viện ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phân tích, qua các hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ của các công ty môi giới, người cần mua hoặc cần bán công nghệ có thể liên hệ trực tiếp với công ty bất cứ lúc nào khi họ có nhu cầu.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, mạng lưới này chưa đủ mạnh và chưa thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Muốn phát triển được môi giới công nghệ, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là ở khâu cung cấp thông tin. Hiện đã có sàn giao dịch ảo mua bán công nghệ trên mạng, cũng đã có các chợ công nghệ và thiết bị, mà tại mỗi chợ qui mô quốc gia đều có hàng nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng được ký kết chuyển giao.

Cũng đã có 3 sàn giao dịch công nghệ tại 3 trung tâm lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Các sàn này chú trọng không ít đến môi giới chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, các môi giới muốn chuyên nghiệp được cũng cần có những tiêu chí nhất định, thậm chí cần có hiệp hội để tập trung nhau lại, tăng thêm sức mạnh cho mỗi thành viên, anh H nói.

Xem ra câu chuyện chuyên nghiệp này cũng còn cần bắt đầu từ mỗi thành phần tham gia vào chuyển giao công nghệ và những nhà môi giới lại cần đi đầu. Lúc này, cơ hội đầu tư vào chuyển giao công nghệ là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, ông Tạ Bá Hưng cũng đồng ý rằng, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi trong lĩnh vực này lợi nhuận tỷ lệ thuận với rủi ro. Để khuấy động thị trường công nghệ, không chỉ cần nhà khoa học, nhà doanh nghiệp mà còn cần có nhà môi giới./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục