Nghệ nhân kể khan huyền thoại Tây Nguyên trình diễn ở Hà Nội

Nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) sẽ trình diễn kể khan độc đáo của đồng bào Êđê vào tối 25/3 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thông tin từ Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 22/3 cho biết, từ ngày 25-27/3 tại Làng sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn.”

Đặc biệt, trong dịp này, nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) sẽ trình diễn kể khan (hát kể, diễn xướng sử thi) độc đáo của đồng bào Êđê vào tối 25/3 tại không gian nhà dài làng dân tộc Êđê, khu làng dân tộc II.

Đây là lần đầu tiên có nghệ nhân kể khan ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nổi tiếng thuộc nhiều, nhớ lâu, hát hay, nghệ nhân Y Wang được gọi là “người của những đêm khan huyền thoại.”

Ông cũng​ không chỉ phục vụ cho buôn làng mà còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông cũng truyền dạy kể khan cho thanh niên trong xã để trao truyền vốn quý cha ông cho thế hệ sau.

Y Wang sinh ra và lớn lên ở một trong những buôn làng cổ xưa của đồng bào Êđê, còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống như kể khan, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ, nhạc khí dân tộc khác.

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày Y Wang còn nhỏ, hát kể sử thi, hát dân ca, lễ cúng còn phổ biến và đậm đặc trong mọi hoạt động văn hóa tâm linh của buôn làng Êđê…

Cũng trong dịp này, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập 16 nhóm hiện vật gồm ghế kpa dài 9,5m, ghế chủ, trống (ảnh), chiêng, bộ công cụ, gùi có chân, ghế bên bếp lửa và nhiều hiện vật khác.

Đây là bộ sưu tập của cố Nghệ sỹ Nhân dân Y Moan Ê Nuôl dày lưu giữ. Bộ sưu tập quý báu này sẽ được trưng bày tại Làng đến hết năm 2016 để đông đảo công chúng cùng chiêm ngưỡng.

Các hoạt động của “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” có sự tham gia của 135 đồng bào dân tộc của 8 dân tộc đến từ 7 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh vùng Tây Nguyên: M’Nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê​​đê (Đắk Lắk) và dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An). Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ ở lại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đến hết năm 2016.

Từ ngày 25-27/3, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đậm chất Tây Nguyên. Đó là Ngày văn hóa “Tây Nguyên đại ngàn”; chương trình đạp xe “Vì tình yêu Tây Nguyên”; diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; ngày hội bắn nỏ; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của núi rừng Tây Nguyên; lễ hội, tri thức dân gian; dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian…

Các lễ hội của người Tây Nguyên cũng được tái hiện tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam vào dịp này.

Trong đó có Lễ cúng cổng bon (buôn) làng dân tộc M’Nông; lễ mừng nhà rông mới dân tộc Giẻ Triêng; lễ cầu mưa và mừng mùa dân tộc Ê​đê; lễ tạ ơn Yang đất Yang rừng dân tộc Mạ; đám cưới của dân tộc Gia Rai; lễ mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục