Ngô Hồng Quang

Người được nghệ sỹ Nguyên Lê ví von “vừa là pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sỹ, đúng là mẫu người tôi vẫn kiếm tìm bao lâu nay” đã ra mắt công chúng trong nước dự án “Nam nhi” – album phòng thu thứ ba sau “Hà Nội Duo” “Song hành” – tiếp tục vệt thử nghiệm đối thoại âm nhạc truyền thống và nhạc cụ Tây phương.

Sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn môi,… làm cốt lõi kết hợp với nhạc cụ phương Tây và nhiều hình thức nghệ thuật đương đại như múa đương đại, beat-boxing, nhảy… Ngô Hồng Quang tạo ra thứ âm nhạc vừa hài hòa, vừa mới mẻ, vừa là chỉ dấu đặc trưng, khó nhầm lẫn.

Nếu từng nghe “Song hành”  “Hà Nội Duo” sẽ nhận ra âm nhạc của Ngô Hồng Quang là thứ âm nhạc đầy biến ảo và mê đắm, lúc khiến người nghe như đang đứng giữa bốn bề mây trắng vây quanh đỉnh núi, lòng trào dâng cảm giác giao hòa; lúc chìm sâu vào suy tưởng và tĩnh lặng trong những thanh âm đẹp đến mê dại; lúc lại khiến người ta nhất định phải nhún nhảy, phải hòa điệu. 

Thể nghiệm tiếng dân tộc mình

2018 tiếp tục là năm sôi nổi của Ngô Hồng Quang. Chỉ vài tháng sau khi giới thiệu “Hanoi Duo” – sản phẩm phòng thu kết hợp với nghệ sỹ Nguyên Lê cùng những đêm diễn “cháy vé” ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mới đây Ngô Hồng Quang tiếp tục trình làng album cá nhân “Nam nhi.”

Gồm 10 ca khúc kết hợp giữa Quan họ – hình thức hát giao duyên phổ biến ở Kinh Bắc (tức vùng đất phía Bắc kinh thành Thăng Long, nay thuộc Bắc Ninh và Bắc Giang) và ngũ tấu đàn dây (2 violin, viola, cello, contrabass).

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sự độc đáo của Quan họ không chỉ có thủ pháp hát luyến láy mà còn là những lời ca da diết, trữ tình. Quang chọn cách không hát theo lối cổ nhưng vẫn giữ đúng cách luyến láy và phát âm, nhả chữ đặc trưng. Cách hát này kết hợp với Ngũ tấu dây vốn dĩ mềm mại đã tạo nên sự hòa quyện, biểu đạt những đường nét hoa mỹ nhất của Quan họ. Tiếp theo dự án này, Quang sẽ kết hợp chất liệu âm nhạc dân tộc trên lời thơ của Phan Lê Hà – Giáo sư Đại học Honolulu, Hawaii, dự định ra mắt giữa năm 2018. Cuối Hè 2018, sẽ là album âm nhạc dân tộc Việt Nam của Quang cùng hai nghệ sĩ người Senegal và Iran.

Nếu từng nghe “Song hành” “Hà Nội Duo” sẽ nhận ra âm nhạc của Ngô Hồng Quang là thứ âm nhạc đầy biến ảo và mê đắm, lúc khiến người nghe như đang đứng giữa bốn bề mây trắng vây quanh đỉnh núi, lòng trào dâng cảm giác giao hòa; lúc chìm sâu vào suy tưởng và tĩnh lặng trong những thanh âm đẹp đến mê dại; lúc lại khiến người ta nhất định phải nhún nhảy, phải hòa điệu. Những thanh âm kỳ diệu đó không chỉ đưa người nghe đi từ bất ngờ  này đến bất ngờ khác mà còn tạo nên sự ngưỡng vọng, tò mò.

Với các đôi tai nghe nhiều, còn gì thú vị hơn được nghe những âm thanh mà mỗi lần chạm đến là mỗi lần khám phá ra thêm bao điều mới mẻ, ẩn dưới lớp vỏ tưởng chừng như giản dị mà hóa ra công phu và trầm tích được chắt lọc từ vô vàn tinh hoa, vô vàn chiều sâu văn hóa. Tôi nghĩ, không có quá nhiều nghệ sỹ làm được điều này. Với sự kết hợp giữa âm nhạc thuộc về truyền thống của các dân tộc và các hình thức nghệ thuật đương đại, càng không phải chuyện dễ. Người nghệ sỹ không chỉ cần vượt qua định kiến của ám chỉ “truyền thống” mà còn phải tự vượt qua chính bản thân họ để vươn đến cái đẹp. Tuy nhiên, qua được hai cánh cửa đó, chưa chắc họ đã thành công. Bởi, sự kết hợp này suy cho cùng, chỉ là những-thể- nghiệm. Đã là thể nghiệm thì gần như mặc định dành cho nó là khó nghe. Sảy chân một chút, nghệ sỹ có thể sa đà và chìm lấp trong chính trí tưởng tượng của anh ta.

“Trước hết, mình phải vượt qua được rào cản văn hoá, sau đó mới nói đến phần tiếp cận thế nào để âm nhạc dân gian không bị mất đi vẻ đẹp cũng như giá trị thật của nó. Việc không vượt qua được rào cản hoặc những định kiến về âm nhạc dân tộc phải giữ được bản sắc nguyên mẫu không pha trộn, không phá phách, không mổ xẻ, sẽ làm cho sự phát triển con đường âm nhạc mà những người nghệ sĩ thời nay như tôi đang theo đuổi bị đuối sức và có đôi lúc nản lòng. Tôi đã và vẫn đang vượt qua thử thách này” – Quang nói về thách thức khi anh chọn cách kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và nhạc đương đại.

Thật may vì âm nhạc của Ngô Hồng Quang không như thế!

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đi để giao thoa

Quang phần nào được trời phú khả năng cảm thụ âm thanh tinh tế, là người sáng tạo bản lĩnh, làm chủ được âm nhạc và sáng tạo. “Một khi đã theo đuổi âm nhạc thì việc đầu tiên là phải hết mình với nó. Người nghe có thể thích hoặc không thích, nhưng cảm xúc và sự chân thành trong tác phẩm là điều không thể thiếu, không thể giả dối hay hời hợt được” – Quang tâm niệm. Dĩ nhiên, tài năng thiên phú là một lẽ, còn phát huy được nó không và môi trường xung quanh tác động như thế nào là một lẽ khác.

Con đường của Ngô Hồng Quang, để có được quả ngọt, trải không ít gian nan, từ sự khác biệt. Từ nhỏ, Ngô Hồng Quang đã được kết nối âm thầm với âm nhạc truyền thống nhờ ông nội – một người chơi đàn nhị có tiếng trong gánh hát. 9 tuổi, Ngô Hồng Quang học Nhị từ một nghệ nhân khiếm thị. 5 năm sau thì vào học nhị trong nhạc viện từ định hướng của bố nhưng không mấy hứng thú. Đứa trẻ nào ở tuổi đấy mà không có vài giấc mơ phiêu bồng, kiểu trở thành ca sỹ, đánh guitar thần sầu,… thay vì gắn với cây nhị nỉ non, còn tương lai thì không biết về đâu. Kiến thức của Quang về nhị khi ấy chỉ gói gọn: “Nhị là một trong những nhạc cụ nằm trong dàn nhạc của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc của Việt Nam như chèo, tuồng, xẩm, phường bát âm, nhạc đám ma.” Thế nhưng, lúc vỡ giọng nhị mới là điều thu hút Quang. Có lẽ mạch nguồn đã được khơi. “Đàn nhị không chỉ biểu diễn tính nhạc buồn, mà còn có thể biểu hiện rất nhiều trạng thái âm nhạc khác nhau.” Bây giờ thì ngoài nhị, Quang còn có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc của người Kinh, dân tộc ít người như đàn bầu, đàn môi, chiêng dây, đàn tính, chiêng dây, trống đế… đồng thời sở hữu giọng hát mềm, mỏng và rung cảm khó ai thay thế được.

“Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như Jazz, World music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ với những nền văn hoá âm nhạc khác nhau”- Ngô Hồng Quang   

Trở thành giảng viên khoa Âm nhạc dân tộc là tương lai gần như đã được định trước dành cho Ngô Hồng Quang. Nhưng khát vọng phát triển thế mạnh của nhị và các nhạc cụ dân tộc cứ thôi thúc. Năm 2008, trong dịp sang Hà Lan biểu diễn tại Nhà hát Hoàng gia, nghe những tác phẩm của sinh viên làm theo hướng âm nhạc hiện đại, Quang không ngừng trăn trở về con đường đang đi. Một điều gì đó bên trong trỗi dậy. Dù chưa học sáng tác, Quang vẫn liều thâu âm một lúc 3 tác phẩm là Thiền, Sắc tộc, Thường xuân, với âm thanh biến ảo từ tiếng đàn bầu, đàn tam, chuông mõ, sáo, tiêu, đàn môi, nhị, thập lục, cồng… và gởi CD sang Hà Lan dự thi. Quang sau đó, nhận được học bổng hai năm của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan (Royal Academy of Music Netherlands).

Như bất kỳ ngôi trường nào trên thế giới, thầy cô giáo của Học viện thay vì bảo Quang phải làm thế này, thế kia, họ lại đặt câu hỏi: “Điều gì khiến bạn muốn học ngành này?” và “Điều bạn đang làm có đặc trưng gì để không lẫn với âm nhạc của các quốc gia khác?” Đấy có lẽ là thời điểm Quang tìm được câu trả lời cho trăn trở lâu nay. Không ai khác ngoài chính mình lắng nghe trái tim và tự mở đường cho mình! Muốn học thì đã đến nơi nhưng để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt thì phải làm việc. Quang không nề hà bất cứ công việc gì, từ làm món sallad cho một nhà hàng Ý, làm nhà hàng sushi của người Việt, làm hướng dẫn viên du lịch, nói khản cổ thì vừa kéo nhị vừa hát cho du khách đỡ chán dù Quang say xe thuộc hạng nặng,…

“Tôi theo và kiên trì với con đường này vì tôi luôn tìm được cái mới trong tôi và trong cả việc sáng tạo âm nhạc. Bản thân tôi luôn thích sự mới mẻ, thay đổi và phát triển. Tôi nghĩ điều này rất phù hợp với tính cách của tôi cũng như công việc tôi đang làm. Mỗi lần làm một sản phẩm mới hoặc kết hợp với một nền văn hoá âm nhạc nào đó mới, tôi rất hứng khởi. Việc hứng khởi này xuất phát từ tình yêu kết nối cũng như sự đắm chìm trong việc chia sẻ văn hoá âm nhạc. Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như Jazz, World music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ với những nền văn hoá âm nhạc khác nhau. Đây là một niềm tự hào” – Quang chia sẻ.

Quả ngọt

5 năm nơi xứ người, Quang trở về Việt Nam vì lạnh và “buồn quá.” Đúng lúc đang đánh vật với cơm áo gạo tiền vì không có môi trường làm việc, Quang nhận được lời mời tu nghiệp dành cho việc nghiên cứu ứng dụng chất liệu dân tộc Việt Nam trong sáng tác từ nhạc viện Hoàng gia Den Haag ở La Hay, sau khi họ nghe được bản nhạc anh tham gia cuộc thi dành cho các nhà soạn nhạc trẻ ASEAN tại Thái Lan tháng 12/2013. Tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc mang màu sắc âm nhạc Phật giáo này lọt vào top 3 của cuộc thi. Quang thật tình chia sẻ, anh trân trọng cơ hội đó nhưng không đủ tiền đi học! Hai tuần sau, Quang nhận được quyết định trao học bổng toàn phần của hiệu trưởng trường, đồng thời hỗ trợ nơi ở. Năm 2014, cái tên Ngô Hồng Quang bắt đầu được biết đến rộng rãi khi dự án Song hành hợp tác cùng nhạc Onno Krijn ra đời. Onno đảm nhiệm phần hòa âm và chơi nhạc cụ Tây phương, Quang hát các làn điệu xẩm, chèo, quan họ, dân ca Nam bộ… Quang cho thấy sự trưởng thành khi ở dự án này, anh sáng tác, hòa âm và trình diễn hai bản Hội bản và Đàn cò.

Mùa Hè 2013, Ngô Hồng Quang gặp Nguyên Lê khi cả hai cùng biểu diễn tại một festival âm nhạc tại Pháp. Nguyên Lê tỏ ra đặc biệt hứng thú với chàng trai trẻ có nhiều điểm tương đồng với ông: say mê nhạc dân tộc, có khả năng sáng tác và trình tấu ngẫu hứng… Cùng nhau, họ tiếp tục lưu diễn trong suốt mùa hè đó. Sau vài lần diễn cùng hiệu quả, Quang đề nghị cùng Nguyên Lê ra đĩa. Thoạt đầu, Nguyên Lê từ chối. Nhưng sự kiên trì, tài năng và tinh thần ham học hỏi của Quang khiến Nguyên Lê bị thuyết phục. Ông lập hồ sơ giới thiệu Quang với ACT – hãng đĩa hàng đầu thế giới chuyên về jazz, phát hành các album của Nguyên Lê và Hương Thanh [ca sỹ Việt Nam hiện sống ở Pháp, được mệnh danh là “sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu Châu.” Hương Thanh được biết đến với những làn điệu dân ca ba miền Việt Nam hay nhạc cổ phối khí với nhạc jazz. Cô là ca sỹ Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận được giải thưởng cao nhất về dòng nhạc Word Musique của Đài phát thanh Pháp France Musique vào năm 2007- PV].

Ngô Hồng Quang biểu diễn nhạc cụ chiêng dây cùng beatboxing giới thiệu album 'Nam nhi' ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ngô Hồng Quang biểu diễn nhạc cụ chiêng dây cùng beatboxing giới thiệu album ‘Nam nhi’ ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Ngô Hồng Quang thực sự là một nhạc sỹ chất lượng cao, học hành bài bản, học sáng tác đương đại và hiểu biết mọi thể loại nhạc truyền thống. Một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn, lại trẻ trung cởi mở nên tôi có thể thỏa sức thử nghiệm cùng cậu ấy” – Nghệ sỹ Nguyên Lê

Khi được hỏi về lý do “bắt tay” với Ngô Hồng Quang, Nguyên Lê từng nói: “Ngô Hồng Quang thực sự là một nhạc sỹ chất lượng cao, học hành bài bản, học sáng tác đương đại và hiểu biết mọi thể loại nhạc truyền thống. Một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn, lại trẻ trung cởi mở nên tôi có thể thỏa sức thử nghiệm cùng cậu ấy. Thật là tuyệt khi có cảm giác không có giới hạn nào hết ngoài trí tưởng tượng của chính mình.”

Chia sẻ về mối duyên gặp gỡ Nguyên Lê trong âm nhạc ở ngoài biên giới, Ngô Hồng Quang lại gọi “đó là cơ hội lớn cho tôi học hỏi và có thêm cảm hứng sáng tác.”

“Hanoi Duo” đã minh chứng sự tung hứng ăn ý của Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang khi kết hợp giữa jazz và các giai điệu Tây Bắc. “Tình đàn,” “Gọi em,” “Về đồi non,” “Mục hạ vô nhân”… không chỉ gây tiếng vang, thu hút sự quan tâm của người nghe trong và ngoài nước mà còn nhận được lời khen từ chính cộng đồng bản địa người Mông.

Quang thuộc tuýp nghệ sỹ hồn nhiên, thông minh, cực kỳ tình cảm và tận hiến. Việc tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là cách anh kéo người trẻ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc, gợi lên trong người trẻ sự yêu thích và tìm hiểu về nó. Để luôn chuyển động và làm mới bản thân, mỗi năm, dù di chuyển qua nhiều quốc gia để biểu diễn thì Quang vẫn luôn dành thời gian đến thăm cộng đồng thiểu số, ở lại cùng họ, trò chuyện và lắng nghe những thanh âm xung quanh. Anh biết ơn và trân trọng từng khoảnh khắc đó. Mọi thứ với Quang đều có tính nhạc, đều đẹp đẽ và được anh dụng công khắc họa lại trong các sáng tác. Mỗi khi nhận được một điều gì đó từ đời sống, kể cả tiếng hót lưu luyến của hai chú chim đầu nhà đồng bào cho anh trú chân, Quang đều nghĩ cách đáp đền bằng âm nhạc.

Gặp Quang trong lần trở về Việt nam để giới thiệu sản phẩm phòng thu thứ ba “Nam nhi”– tên gọi cũng chính cảm khái về chính đường hướng sáng tạo của chính anh, người viết được nghe câu trả lời về những dự định tương lai. Sau “Nam nhi” được giới thiệu đầu 2018, tháng Sáu Quang sẽ trở về để thực hiện live concert và giới thiệu hai dự án âm nhạc mới.

“Quang vẫn hoạt động ngoài nước để tiếp tục giao thoa và thử nghiệm, để mỗi lần trở về là mỗi lần tôi được làm mới về tâm thức, khơi nguồn sáng tạo, tiếp thêm năng lượng và yêu đất nước, con người Việt Nam nhiều hơn.”

Cùng chờ xem chàng trai có mái tóc xoăn xù, gương mặt trẻ thơ như hoàng tử bé luôn quyến rũ người nghe bằng cách tạo ra những thanh âm đầy mê dụ, biến ảo từ những nhạc cụ sẽ mang đến những bất ngờ nào khác từ trí tưởng tượng của anh./.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)