Nghệ sỹ Y Moan và "kho báu" cổ vật Tây Nguyên

Ít ai biết nghệ sĩ ưu tú Y Moan là chủ nhân một "kho báu" các cổ vật văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Tên tuổi nghệ sỹ ưu tú Y Moan đã nổi tiếng khắp cả nước, nhưng ít ai biết anh là chủ nhân một "kho báu" các cổ vật văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Trong căn nhà sàn mới dựng của Y Moan ở buôn Dhă Prông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các cổ vật về văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên được treo kín 4 bức vách và đặt kín cả gian nhà.

Hàng loạt loại gùi được trưng bày, trong đó có những chiếc chuyên dùng để gùi chiêng, xà gạc, tẩu thuốc lá, ná đến chiêng cổ, ché Túk, ché Tang; rồi cả những chiếc ghế Kpan, Jhơng dài tít tắp...

Đặc biệt hơn cả là bộ sưu tập về trống cổ, trong đó có những chiếc trống bằng da trâu to tới 3 vòng tay người ôm không hết. Bên cạnh là dàn chiêng Knăh dài tít cùng bộ dây thừng dùng để săn voi bằng da trâu rừng hun khói bếp đen nhánh khiến không gian của ngôi nhà nhuốm màu sử thi...

Y Moan nói, việc anh say mê sưu tập các cổ vật văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như một cơ duyên tiền định. Trong một lần đi hát ở buôn làng vùng sâu, anh thấy một chiếc trống da trâu còn lành lặn bị gia chủ vứt lăn lóc dưới gầm nhà sàn bèn hỏi mua và được chủ nhà tặng luôn vì mến mộ giọng ca của anh. Từ đó, cứ mỗi lần đi hát hoặc làm việc gì ở các buôn làng anh lại cố gắng sưu tầm một món đồ.

Có những món đồ quý như ghế Kpan, ché Túk được người dân yêu quý tặng, nhưng cũng có những món đồ như bộ dây thừng săn voi anh phải dành dụm mấy tháng lương mới mua được. "Nhiều món đồ quý gia chủ nhất định không bán, dù được trả giá rất cao. Mình lui tới cả chục lượt, cuối cùng nể quá họ bán cho mình. Mua về chỉ cần treo trong nhà ngắm chúng hàng ngày là sướng cái bụng, hết cả mỏi mệt", Y Moan bộc bạch.

Về bộ sưu tập trống cổ, Y Moan giới thiệu: "Trống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên thường được làm bằng da trâu. Một chiếc trống phải được làm từ da của một con trâu đực và một con trâu cái để khi đánh lên có sự giao thoa hài hòa của âm, dương. Có như vậy tiếng trống mới vang xa". Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trống được xem là vật linh thiêng, hơn cả cồng chiêng. Đối với các dàn chiêng có trống, trống thường được đặt ở vị trí đầu và có nhiệm vụ cầm nhịp cho cả dàn chiêng.

Quy trình làm ra một chiếc trống rất công phu, nhuốm màu sắc huyền bí, có khi kéo dài tới bốn, năm năm mới hoàn chỉnh một chiếc trống. Chính sự huyền bí trong những câu chuyện về trống cùng sự công phu khi làm ra một chiếc trống trở thành sức hút kỳ lạ đối với Y Moan. Trong bộ sưu tập trống của anh có cả những chiếc trống đã bị thủng, nhiều chiếc có đường kính hơn 1,5 m chỉ còn lại thân trống còn mặt da đã bị rách bươm.

Y Moan còn sở hữu một bộ chiêng Lào rất quý hiếm được đúc bằng đồng pha vàng. Theo anh, bộ chiêng này ngày xưa giá trị bằng 2 con voi đực có cặp ngà lớn. Nếu không có voi, người ta phải đổi bằng cả đàn trâu, bò hơn 50 con... và phải mất hàng tháng trời lùa đàn trâu, bò sang tận Lào để đổi chiêng đấy", Y Moan nói giọng đầy tự hào.

Y Moan tâm sự: "Mình được đồng bào cả nước biết đến từ những bài hát mang màu sắc về Tây Nguyên, nhưng những vật dụng này mới chính là Tây Nguyên "trăm phần trăm" đó. Mình muốn giữ lại những cổ vật của ông bà để cho con cháu sau này và du khách khắp nơi biết về Tây Nguyên đích thực, biết về cuộc sống của ông bà mình từ ngày xưa ra sao."/.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục