Nghệ thuật kỹ thuật số: "Ảo" nhưng "thật"

Những tác phẩm mỹ thuật sáng tạo trên máy vi tính đang khiến nhiều người nghi ngờ về tính nghệ thuật là do... máy làm ra chứ không phải người.
Hôm nay 18/8, triển lãm "Không gian ảo" nhằm ra mắt câu lạc bộ Nghệ thuật kỹ thuật số (Art digital) sẽ kết thúc. Triển lãm này cùng với việc thành lập câu lạc bộ Art digital đầu tiên tại VN mang đến nhiều luồng dư luận khác nhau.

Art digital không mới…

Art digital được hiểu là những tác phẩm mỹ thuật sáng tạo trên máy vi tính thay vì dùng cách thức truyền thống. Nhưng chính vì sáng tác trên máy tính nên nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính nghệ thuật là do... máy làm ra chứ không phải người.

Còn những người đứng ra thành lập Art digital để sau này sẽ trở thành một chi hội trực thuộc Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì lại khẳng định art digital cũng là nghệ thuật, vấn đề là người nghệ sĩ sáng tạo như thế nào.

Thực ra, dùng các phần mềm của máy vi tính để vẽ tranh ở Việt Nam không hề mới. Khoảng 10 năm trước, khi máy vi tính bắt đầu du nhập và có ảnh hưởng nhất định vào đời sống, họa sĩ Hồ Hồng Lĩnh cũng đã trưng bày một số tác phẩm loại hình này.

Gần đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn cũng dùng chính những bức hình chụp của mình để “biến hóa” thành những bức tranh. Trong một lần trao đổi với phóng viên, ông Giản Thanh Sơn cho hay: “Có nhiều họa sĩ vẽ giống hình chụp thì tại sao người chụp hình như tôi không “chụp” như một bức tranh trừu tượng?!”

Trong triển lãm "Không gian ảo", có rất nhiều tác phẩm vẫn dùng hình chụp rồi thêm bớt đường nét, sắc màu... nhằm tạo ra hiệu ứng như một bức tranh “được vẽ”.

Tìm hiểu thêm, được biết trên thế giới, người ta dùng máy tính để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ rất lâu rồi. Vậy tại sao ở Việt Nam đến tận bây giờ, khi máy vi tính gần như phổ cập đến mọi ngõ ngách mới có một Art digital ra đời?

Câu hỏi này được nhà điêu khắc Phan Phương, Chủ nhiệm Art digital trả lời: “Bởi vì phần đông còn e dè, họ cho rằng mỹ thuật là phải cầm cọ sơn phết hay cầm đục đẽo tượng”. Phan Phương còn cho biết thêm “Gọi những tác phẩm tạo ra bằng máy tính là ảo, song nếu hiểu ở một nghĩa nào đó thì có cái gì là thật ở cõi đời này đâu???”. Nói thì nói vậy, song Phan Phương cho biết, hiện có rất nhiều phần mềm để vẽ tranh, có phần mềm cho người vẽ cảm giác đang cầm cọ, pha màu... y như thật.

…nhưng không hề cũ

Họa sĩ cao niên Phạm Đỗ Đồng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn thành lập Art digital hiện rất say sưa với việc vẽ tranh trên máy tính. Ông kể chuyện vui: “Khi thấy tôi ngồi hí hoáy bên màn hình, vợ tôi (con gái của một danh họa đấy nhé), bảo rằng ông muốn vẽ thì vẽ đi chứ làm cái gì với máy tính suốt ngày thế”.

Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng kết luận rằng, ngay cả người am hiểu mỹ thuật như vợ tôi còn nói thế thì số đông còn lại làm sao hiểu art digital có giá trị như thế nào. Ông Đồng khẳng định: “Mỗi bức tranh vẽ trên máy vi tính là độc bản, vì có muốn vẽ lại cũng không thể đạt được đường nét, sắc màu như vẽ lần đầu. Có bản thứ hai chỉ còn một cách là copy chính bản thứ nhất. Trong cách vẽ truyền thống cũng thế, để có bản thứ hai cũng phải sao chép lại đó thôi”.

Lâu nay, chúng ta ngầm hiểu tính độc bản chưa hẳn đã là một tác phẩm nghệ thuật, song một tác phẩm nghệ thuật (tranh, tượng) nhất định phải độc bản. Những bản sao còn lại của những danh tác chỉ thể hiện sức lan tỏa của tác phẩm mà thôi.

Nhà điêu khắc Phan Phương cho rằng: “Một tác phẩm nổi tiếng thế giới, liệu có mấy người tận mắt chiêm ngưỡng? Hay phần đông biết đến tác phẩm đó thông qua bản sao?! Nói thế để thấy, chủ sở hữu cũng như tác giả một bức tranh, một pho tượng dù là trên không gian ảo cũng chỉ có một người”.

Với các phần mềm kỹ thuật như hiện nay, ai rành về máy tính cũng có thể trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc? Họa sĩ Lê Kinh Tài, vừa bán được loạt tranh gần 5 tỷ đồng giữa thời khó khăn này, cho biết: “Tôi tán đồng việc vẽ tranh trên máy tính phải rành các phần mềm. Nhưng tôi không cho rằng một kỹ sư hay chuyên gia tin học có thể trở thành họa sĩ. Vì ai cũng có thể vẽ còn cái sản phẩm sau khi vẽ đó có phải là tranh hay không lại là chuyện khác. Ý tưởng, thẩm mỹ và cảm xúc của người vẽ quan trọng hơn là vẽ trên phương tiện, chất liệu gì”.

Ngàn tranh trong một khung

Triển lãm Không gian ảo nhưng những tác phẩm được treo vẫn phải in ra giấy, bố... đóng khung gỗ rồi treo lên tường, như vậy có ảo không? Nhà điêu khắc Phan Phương giãi bày: “Nếu danh chính ngôn thuận thì phải có các màn hình và tranh sẽ chỉ “treo” trên đó. Nhưng hiện chúng tôi chưa chuẩn bị kịp cũng như chưa đủ kinh phí để trang bị”.

Phan Phương còn giới thiệu những tác phẩm điêu khắc anh làm trên không gian số. Xem các tác phẩm điêu khắc này của Phan Phương, bằng kỹ thuật chiếu 3D, có thể thấy như một tác phẩm sống động trưng bên ngoài.

Với kỹ thuật ngày càng phát triển, ngoài thị trường đã có loại màn hình mà người mua hiện chỉ dùng để chứa album gia đình. Chỉ cần treo màn hình này tại phòng khách, thay vì chứa hình gia đình, có thể dùng chứa tranh và chúng ta sẽ có ngàn bức tranh trong một khung thay phiên nhau hiện ra nhìn không... chán mắt.

Phan Phương cũng cho hay, để làm một bức tượng, người ta phải chặt một cái cây hay đẽo một khối đá... Trong khi vẫn làm tượng gỗ, tượng đá hay đồng... trên máy tính, hiệu ứng nghệ thuật vẫn như vậy, song không tốn kém và không ảnh hưởng gì đến môi trường. Trong không gian đô thị chật hẹp, người nghệ sĩ chỉ cần một chiếc máy tính là tha hồ sáng tạo, lại chẳng phiền đến thiên nhiên và cộng đồng. Ích lợi trước mắt có thể nhận ra: Không tổn hại bạc tiền và môi trường./.
 
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có thể so sánh art digital như văn chương trên Internet vậy. Người viết hay vẽ dù dùng bất cứ phương tiện gì, nhưng nếu tác phẩm có giá trị thì đều... “thật” chứ không hề “ảo”.
(TT&VH/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục