Nghề xuất khẩu động vật quý hiếm ở Colombia

Colombia  từ nhiều năm qua đã thu được lợi nhuận đáng kể từ một loại hình kinh doanh đặc biệt - xuất khẩu động vật quý hiếm.
HTML clipboard Colombia, một trong những nước có sự đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, từ nhiều năm qua đã thu được lợi nhuận đáng kể từ một loại hình kinh doanh đặc biệt - xuất khẩu động vật quý hiếm.
 
Theo con số từ Quỹ thúc đẩy xuất khẩu của Colombia, hiện có tới 1.250 công ty Colombia đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu động vật quý, đặc biệt là bươm bướm, bọ cánh cứng, cá và nhái. Và đối thủ của họ là những tay buôn lậu.
 
Tinny, tên một con bọ cánh cứng được sinh ra ở tỉnh Boyaca đã trở thành "kiều dân" của công viên Kairakuen ở thành phố Mito (Nhật Bản) được hai tháng qua. Chủ của nó là Keiko Sato đã phải đến tận một trang trại ở vùng nông thôn Tunja (Colombia) để tìm "bạn đời" cho nó.
 
Keiko kể: "Những con bọ này rất đẹp và có ý nghĩa. Vài năm qua, chúng tôi đã mua hơn một chục con ở Tunja về tặng cho bọn trẻ để chúng nuôi làm vật cảnh với ý nghĩa mang lại may mắn". Cô cho biết giá mỗi con bọ chỉ hơn 4 USD. Tierra Viva là công ty chuyên nuôi những con bọ này và bán chúng khi chúng còn sống hoặc bán xác khô của chúng.
 
Giám đốc công ty, ông German Viasus, cho biết sau rất nhiều nhiêu khê cuối cùng họ cũng có được lợi nhuận với công việc buôn bán bọ cánh cứng. Ông nói: "Sau nhiều thập kỷ Colombia mất các loài động vật quý hiếm do hoạt động buôn lậu và trong các vụ buôn lậu này, chúng thường bị đối xử tệ bạc, các công ty như công ty của tôi nảy ra ý định nuôi, xuất khẩu động vật quý hiếm một cách hợp pháp. Và công việc này đã trở thành một nghề kinh doanh lời lãi".
 
Theo ông German Viasus, công ty của ông chủ yếu xuất khẩu bọ cánh cứng sang Nhật Bản - nơi những con vật thường được yêu quý và đối xử tốt. Gần đây, công ty Tierra Viva bắt đầu nhận được đơn đặt hàng từ Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, trong đó có đơn đặt hàng 1.000 con bọ từ một vị quốc vương mê loài bọ cánh cứng.
 
Một sản phẩm khác cũng rất được ưa thích là kén bướm bày trong bình trong suốt, rất thích hợp để làm quà tặng người yêu hay một người đặc biệt nào đó. Bộ sản phẩm kén bướm còn gồm cả ảnh của loài bướm đó và sách hướng dẫn.
 
Vanesa Wilches, giám đốc công ty Alas de Colombia nói: "Ngôn ngữ của tình yêu là thứ ngôn ngữ phổ biến và chúng tôi thấy rằng những người đang yêu ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất cũng đều bị những cánh bướm sặc sỡ hút hồn. Vì thế, chúng tôi cung cấp mặt hàng kén bướm để những người yêu nhau có thể xem con ấu trùng lớn dần thành bướm và họ có thể cùng nhau thả con bướm - một biểu tượng gắn kết tình yêu của họ".
 
Trong suốt 5 năm qua, công ty của Vanesa Wilches đã xuất khẩu cả bươm bướm khô và bươm bướm sống sang nhiều nước như Hà Lan, Anh, Mỹ và Pháp với doanh thu hàng năm đạt gần 75.000 USD. Trong khi đó, các nhà sưu tập và doanh nhân từ nhiều nước như Xinhgapo, Hàn Quốc, Trung Quốc lại thích mua cá ở các vùng đồng bằng miền đông Colombia. Họ mua cá thông qua Coospesca, hợp tác xã của ngư dân.
 
Giám đốc hợp tác xã, ông Jose Arturo Gomez, cho biết cứ mỗi một con cá đuối bắt được ở sông Orotoy, ngư dân địa phương chỉ kiếm được chưa đầy 50 xu, nhưng ở Singapore, Malaysia hay Nhật Bản, mỗi con có giá hơn 80USD.
 
Nhưng bên cạnh nghề xuất khẩu động vật quý hiếm tuân thủ quy định của pháp luật lại tồn tại những vụ buôn bán động vật quý hiếm bất hợp pháp.
 
Bà Maria Sanchez, điều phối viên của cảnh sát môi trường Colombia, cho biết nạn buôn lậu này đã hình thành một mạng lưới quốc tế vững mạnh. Chỉ tính riêng năm 2008, chính quyền Colombia đã tịch thu 54.000 động vật quý hiếm sắp được bán tại thị trường trong và ngoài nước./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục