Nghèo vẫn mua được nhà sẽ không còn là "mơ"

Người dân ở đô thị lớn vẫn "kêu" rằng, nhà ở dành cho người thu nhập thấp mà giá 400-500 triệu đồng/căn thì họ vẫn mơ... về  nơi xa lắm.

Để nhà ở dành cho người thu nhập thấp đến được với thượng đế thu nhập thấp, các doanh nghiệp cho biết cần có giải pháp mới  về công nghệ.
Nhiều người thu nhập thấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn "kêu" rằng, nhà ở dành cho người thu nhập thấp mà giá 400 - 500 triệu đồng/căn thì họ vẫn còn phải mơ... về  nơi xa lắm. Liệu có cách nào để "biến" nhà ở cho người thu nhập thấp không còn là mơ?

Nhà ở giá rẻ...chưa rẻ

Ông Trịnh Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở, Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, sau nhiều tháng Bộ quyết liệt đốc thúc các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị, tính đến tháng 7 đã có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hai bộ là Quốc phòng và Công an đăng ký triển khai xây nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015.

Theo các dự án đăng ký, đối với nhà ở cho sinh viên có 194 dự án đăng ký dự kiến xây hơn 4,85 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 830.000 sinh viên. Nhà ở cho công nhân với 110 dự án dự kiến đăng ký xây hơn 6 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 960.000 người.

Đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, có 21 địa phương đăng ký 189 dự án, dự kiến xây dựng 7,1 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 700.000 người. Như vậy, với các dự án các địa phương đã đăng ký, chỉ vài ba năm nữa, những ngôi nhà “giá rẻ” sẽ có mặt trên thị trường.

Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vấn đề: So sánh giữa mức thu nhập của người thu nhập thấp hiện nay khoảng 2-3 triệu đồng/tháng (mức không có tích lũy) với mức giá 400-500 triệu đồng/căn hộ, đa số người thu nhập thấp mong muốn giá nhà ở xã hội cần phải rẻ nữa hoặc nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tiền mua nhà với mức lãi suất như "chống suy giảm kinh tế" họ mới dám biến giấc mơ có nhà thành sự thật.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thừa nhận, với mức thu nhập một người làm công ăn lương (người thu nhập thấp) ở Hà Nội khoảng 4 triệu đồng/tháng, thì cả đời công tác của họ cũng không thể dành ra một khoản tiền lớn đến cỡ vài trăm triệu đồng để có thể mua được một ngôi nhà, dù là nhà ở xã hội.

Do đó, để người thu nhập thấp có thể mua được nhà, đòi hỏi nhiều lực lượng cần chung tay như chính sách của nhà nước, ngân hàng về tín dụng cho người thu nhập thấp mua nhà, chính quyền các tỉnh tạo điều kiện về đất đai cho nhà ở xã hội... Riêng với ngành xây dựng, việc "kéo" giá xuống không còn cách nào khác là bằng công nghệ mới...”, ông Liêm nói.

“Kéo” giá nhà xuống, công nghệ đã sẵn sàng

Tại một hội thảo quy mô toàn quốc với nội dung “Giải pháp xây dựng để phát triển nhà ở xã hội…” được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, trong các giải pháp xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đều đánh giá cao hai công nghệ xây lắp hiện nay của Bêtông Xuân Mai và Công ty cổ phần công nghệ 3D.

“Công nghệ 3D, xây lắp nhà bằng những cấu kiện bê tông chế tạo sẵn, nhẹ lắp ghép nhanh, nhà càng cao tầng giá thành càng giảm, năng suất lao động của công nhân công nghệ 3D cao gấp 10 lần công nghệ truyền thống. Về thời gian thi công rút ngắn tới 30% so với các phương pháp đang sử dụng và về giá thành xây thô rẻ được 20%...”, ông Hoàng Ngọc Cang, Giám đốc Công ty 3D nói tại hội thảo.

Trong khi đó, Công ty Bêtông Xuân Mai giới thiệu giải pháp giảm giá thành xây lắp nhà ở xã hội bằng công nghệ bê tông dự ứng lực kết hợp với sử dụng các vật liệu mới. Từ kinh nghiệm và những công trình thực tiễn, Bêtông Xuân Mai cho biết, đã lắp dựng thành công các khối nhà 5 tầng chỉ trong vòng 40 ngày. Chưa hết, công nghệ xây lắp dự ứng lực còn có thể giảm giá thành xây thô khoảng 15% và rút ngắn thời gian thi công khoảng 50% so với các công nghệ truyền thống. Trên thực tế, Bêtông Xuân Mai đã hoàn thành những căn hộ 60m2 với giá dưới 200 triệu đồng/căn.

Theo ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Công ty Bêtông Xuân Mai, để giảm giá nhà mà chất lượng vẫn đảm bảo, thì việc phải áp dụng các công nghệ mới, sử dụng vật liệu mới thay thế các vật liệu truyền thống là một tất yếu.

Bên cạnh việc sử dụng công nghệ, vật liệu, cơ giới hóa trong thi công, khâu tổ chức thi công, thiết kế cũng đòi hỏi phải tối ưu hóa tất cả các hạng mục công trình. Ví dụ với công nghệ bê tông dự ứng lực đúc sẵn, Công ty Bêtông Xuân Mai không cần phải sử dụng cốp pha trên công trường, không cần phải trát trần..

Cùng với các giải pháp về công nghệ xây dựng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Viglacera cho biết, từ tháng 6/2009, Viglacera đã hoàn thiện bộ vật liệu xây dựng (gồm gạch ốp lát, các sản phẩm sứ vệ sinh, sen vòi, kính xây dựng…) dùng cho xây dựng nhà ở xã hội. Ông Tuấn khẳng định bộ sản phẩm này có giá thành cạnh tranh nhất trên thị trường. Công ty còn sẵn sàng giảm giá thành cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội.

"Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mới còn khó khăn vì đòi hỏi các chi phí đầu tư ban đầu lớn cả về thiết bị lẫn con người. Vì thế để các doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, đề nghị Bộ Xây dựng có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu xây dựng trong nước, vật liệu công nghệ mới… thông qua cơ chế mua sắm đặc biệt. Có như vậy mới góp phần hiệu quả vào chương trình kích cầu nội địa. Ý nghĩa hơn là góp phần làm giảm giá thành xây nhà ở xã hội để người thu nhập thấp có thể mua nhà…”, ông Tuấn đề nghị./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục