Nghị định 95: Nghiêm túc xử phạt mới đủ sức răn đe

Nghị định 95/2013/NĐ-CP giúp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp nhưng nếu không xử phạt nghiêm túc có thể làm "bùng nổ" việc phát sinh thêm người lao động bỏ trốn.

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt 80-100 triệu đồng đối với hành vi hết hạn hợp đồng không về nước đã khiến tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan và Hàn Quốc giảm rõ rệt. Tuy nhiên, việc tiến hành xử phạt sau ngày 10/3 của các cơ quan chức năng mới là yếu tố quyết định có tiếp tục duy trì được kết quả này hay không.

Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 13/4.

Tại thị trường Hàn Quốc, việc giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước vốn là vấn đề bức xúc rất khó tháo gỡ nhanh chóng, thế nhưng khi Nghị định 95 bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ lao động bất hợp pháp về nước đã giảm rõ rệt.

Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Hải Nam cho biết, hiện nay có khoảng 18.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước. 

“Sau khi có nghị định 95, số lao động tự nguyện về nước trước 10/3 lên tới khoảng 3.000 người, chiếm tới 15% tổng số lao động hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc,” ông Nguyễn Hải Nam nói.

Ngay cả tại thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất và cũng đang “nóng” về tỷ lệ lao động bất hợp pháp là Đài Loan, những ngày cuối cùng trước khi quy định xử phạt lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 80-100 triệu đồng có hiệu lực, lao động dồn dập làm thủ tục về nước. 

Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động tại Đài Loan, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, Nghị định 95 cũng đã giúp giảm tỷ lệ lao động đã bỏ trốn tại Đài Loan, đã có hơn 2.000 lao động bất hợp pháp đã làm thủ tục về nước. Đặc biệt, tỷ lệ phát sinh thêm người lao động bỏ trốn cũng giảm hẳn.

“Trước đây, mỗi tháng tại thị trường Đài Loan, số lao động bỏ trốn phát sinh từ 800-1.000 người/tháng. Tuy nhiên từ khi Nghị định 95 có hiệu lực, thống kê từ tháng 12/2013 đến tháng 2/2014 cho thấy số lượng lao động bỏ trốn phát sinh liên tục giảm,” bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung nói.

Mặc dù Nghị định 95 đã đem lại những kết quả khả quan về giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng trong việc tiến hành xử phạt.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Nghị định 95 rất có tác dụng đối với thị trường Đài Loan, vấn đề tiếp theo phải nghiêm túc tiến hành xử phạt để duy trì những hiệu quả đang có. Cả lao động hết hạn hợp đồng và chưa hết hạn hợp đồng đều đang chờ xem việc áp dụng luật vào thực tế.

Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ông Nguyễn Hải Nam cũng nhấn mạnh: “85% số lao động bất hợp pháp còn lại tại Hàn Quốc chưa về vì muốn chờ xem sau 10/3/2014, Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xử phạt như thế nào. Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan quản lý lao động trong nước áp dụng nghiêm túc quy định xử phạt nếu không sẽ phản tác dụng và làm ‘bùng nổ’ việc phát sinh thêm người lao động bỏ trốn.”

Ông Nguyễn Hải Nam cũng cho rằng, đối với việc tiến hành xử phạt lao động ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ quyết định xử phạt đối tượng lao động bất hợp pháp bị phía Hàn Quốc bắt trong các đợt truy quyét. Trung bình mỗi tháng thường có từ 100-300 lao động bất hợp pháp bị bắt, Đại sứ quán sẽ thực hiện việc xử phạt hành chính ngay khi nhận được danh sách từ phía Hàn Quốc./.

Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bắt đầu từ ngày 10/10/2013, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu có các hành vi như: Cư trú bất hợp pháp tại tại nước sở tại sau khi hết hạn hợp đồng lao động và hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng đã ký; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh; dụ dỗ lao động Việt Nam khác ở lại cư trú bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Chính phủ đã gia hạn thời gian chưa xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng cho lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài nếu tự nguyện về nước trước 10/3/2014./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục