Nghị định về quản lý biểu diễn: Nhiều hạn chế

Nghị định về quản lý hoạt động biểu diễn còn nhiều hạn chế

Sau hơn một năm thực hiện, nghị định về các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế.
Nghị định về quản lý hoạt động biểu diễn còn nhiều hạn chế ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 28/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/1/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Đây là lần đầu tiên một văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ra đời đã thu hút sự quan tâm của các nghệ sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật trong cả nước và là hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức, đơn vị thực hiện.

Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật này cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, ưu điểm của các văn bản mới này là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về việc xin phép cũng như đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận các đơn vị nghệ thuật tại địa phương.

Tuy nhiên, việc thành lập các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay rất dễ dàng. Vì vậy, một số doanh nghiệp tổ chức biểu diễn sai phạm bị tước giấy phép hoặc đình chỉ tổ chức biểu diễn đã sẵn sàng thay đổi tên doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động.

Mặt khác, nhiều địa phương khi cấp phép tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật chủ yếu dựa trên hồ sơ xin phép là chính, không thẩm định thực tế chương trình biểu diễn, do đó các đơn vị tổ chức biểu diễn dễ có những sai phạm trong khi tổ chức.

Theo ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc cấp giấy phép công diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang hiện nay chủ yếu được thực hiện qua việc thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân nên vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm quảng cáo không đúng sự thật, tổ chức biểu diễn không đúng nội dung trong giấy phép.

Bên cạnh đó, giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cấp cho các doanh nghiệp kèm theo nội dung chương trình có quá nhiều tiết mục và nghệ sỹ biểu diễn, nhưng lại không quy định cụ thể số tiết mục, số nghệ sỹ tham gia trong một đêm diễn.

Điển hình trong năm 2013, Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương xử lý nghiêm vụ lừa đảo trong biểu diễn nghệ thuật, tổ chức chương trình và thu tiền vé không đúng như nội dung quảng cáo diễn ra vào tối 29/5/2013 tại thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), xã Hương An (huyện Quế Sơn).

Đại diện một số tỉnh, thành phố khác cũng cho biết, thời gian gần đây, tình trạng một số đoàn nghệ thuật đến các cơ quan, xí nghiệp, trường học thường xuyên nài ép, vận động mua vé xem biểu diễn gây bức xúc.

Tình trạng biểu diễn không thông báo vẫn còn diễn ra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hội chợ. Một số quán càphê mời ca sỹ về hát dưới hình thức giao lưu với khán giả không bán vé nhưng thực chất phụ thu vào tiền nước của khách với giá cao và khi tổ chức thường không thông báo. Chương trình biểu diễn dựa vào các hội, đoàn thể còn nhiều bất cập như đi vận động quyên góp, bán vé gây phản ứng trong nhân dân, trong khi chất lượng chương trình chưa đảm bảo.

Thời gian qua, Cục nghệ thuật biểu diễn cũng đã "mạnh tay" xử lý một số cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về hoạt động biểu diễn. Điển hình là việc tạm dừng cho phép biểu diễn đối với Lê Thị Huyền Anh (còn gọi là Bà Tưng), ca sỹ Angela Phương Trinh trên phạm vi toàn quốc vì ăn mặc phản cảm; yêu cầu ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng nghiêm khắc rút kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Để đảm bảo hiệu quả trong việc thực thi các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những sửa đổi tại Thông tư 03 cho phù hợp với thực tế xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với việc áp dụng, thi hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn; tập trung kiểm duyệt, tăng cường năng lực Hội đồng nghệ thuật; công khai, minh bạch, tăng cường tính liên kết hệ thống thông tin, cấp phép, xử lý vi phạm; tăng cường giám sát, kiểm tra các công ty, ca sỹ, người mẫu đã từng vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục