Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu được công nhận di sản quốc gia

Nghi thức dựng cây Nêu và bộ Gu - những nét văn hóa độc đáo nhất trong đời sống người Cor được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu được công nhận di sản quốc gia ảnh 1Bộ Gu của người Cor. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tối 3/8, tại Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của người Cor trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Người Cor thuộc nhóm ngôn ngữ và ngữ tộc Môn-Khmer. Theo cuộc Tổng điều tra dân số gần đây nhất, người Cor ở Việt Nam có gần 39.000 người, cư trú tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại tỉnh Quảng Nam, người Cor có khoảng hơn 5.300 người cư ngụ đa phần tại hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Riêng tại huyện Bắc Trà My, cộng đồng người Cor có gần 4.000 người, định cư và sinh sống chủ yếu xung quanh dãy núi Răng Cưa thuộc hai xã Trà Nú, Trà Kót và một phần tại xã Trà Giáp.

Người Cor luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống, riêng biệt của dân tộc mình. Trong đó, cây Nêu và bộ Gu truyền thống là biểu tượng tâm linh, có vị trí đặc biệt quan trọng và xuyên suốt, không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội như tết mùa, lễ cúng giỗ ông bà, tổ tiên hay tế cúng thần linh của người Cor.

Đối với cây Nêu truyền thống của người Cor có 3 loại: Cây Nêu (Ô zô) cúng giỗ ông bà tổ tiên; cây Nêu (Ô rát) ăn trâu lá, cúng các vị thần sông, thần suối, thần núi… và cây Nêu (Ô cờ trấu) ăn trâu huê, cúng thần trời, thần đất, thần nước…

Mỗi cây Nêu hoàn thành có chiều cao trung bình từ 5 đến 9m và đều có 3 phần chính gồm đỉnh; thân cây với các gu, mâm cúng, chuỗi hạt cườm và phần gốc có nài cột câu. Các phần này cơ bản giống nhau về hoa văn, họa tiết trang trí, chỉ khác nhau phần linh vật ở đỉnh nhằm thể hiện tầm vóc và vị thế quan trọng của vị thần linh theo mục đích của lễ cúng.

Cây Nêu là thành phần quan trọng nhất trong các lễ hội của người Cor, là tâm điểm cúng tế ở ngoài trời và được chuẩn bị trước rất cẩn trọng, kéo dài hàng tháng trời với nhiều người có kinh nghiệm cùng tham gia.

Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, người Cor chọn ngày lành, tháng tốt tổ chức cúng xin phép được dựng cây Nêu. Theo phong tục của người Cor, nghi lễ cúng được thực hiện 2 lần.

Lần đầu, người Cor cúng sản vật và con vật sống như gạo nếp, gà, lợn để kính báo ông bà tổ tiên và các vị thần về dự. Kết thúc nghi lễ cúng lần đầu, người Cor tiến hành dựng cây Nêu; đồng thời giết thịt các con vật sống, nấu chín và cúng tiếp một lần nữa để ông bà, tổ tiên thần linh cùng hưởng và thiết đãi dân làng, khách quý.

Nếu như cây Nêu là tâm điểm nghi thức cúng tế ở ngoài trời thì bộ Gu lại là tâm điểm của nghi thức cúng tế ở trong nhà của người Cor.

Người Cor có bốn loại Gu gỗ rất độc đáo, thường chỉ treo trong nhà gồm: Gu Bla treo giữa nhà; Gu Mók treo ở cửa ra vào nhà; Gu MóK Tum treo ở cửa ra vào bếp và Gu Tum treo ở giữa bếp.

Trong đó, Gu Bla được trang trí cầu kỳ, công phu nhất, thường có các linh vật và muôn thú. Người Cor chia Gu Bla thành 2 loại là Gu trống và Gu mái, tiếng Cor gọi là Gu Pô và Gu Pi. Mỗi tấm, nhánh của Gu đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của những nghệ nhân người Cor khéo tay, mô phỏng, tái hiện cuộc sống đời thường nơi người Cor sinh sống và quan niệm của họ về các thần linh, vũ trụ, tín ngưỡng, niềm tin…

Trước khi treo các bộ Gu, người Cor cũng thực hiện các nghi lễ tâm linh như cúng dựng cây Nêu. Ngoài treo ở trong nhà, các bộ Gu còn được tái hiện, treo trang trí làm điểm tọa lạc để thờ các thần linh trên cây Nêu ở ngoài trời.

Theo các nhà nghiên cứu, nghi thức dựng cây Nêu và bộ Gu là tổng thể những nét văn hóa tinh túy, riêng biệt, độc đáo nhất và xuyên suốt trong đời sống văn hóa tâm linh, ý nguyện, niềm tin của người Cor.

Ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2684 công nhận, đưa nghi thức lễ dựng cây Nêu và bộ Gu người Cor của hai xã Trà Kót, Trà Nú huyện Bắc Trà My vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, vinh dự lớn của cộng đồng người Cor nói chung và bà con người Cor ở huyện Bắc Trà My nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục