Nghị lực người lính trinh sát trước nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng vẫn còn đó những trận tuyến mới cam go hơn mà người lính Cụ Hồ năm xưa phải đối mặt.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng vẫn còn đó những trận tuyến mới mà người lính Cụ Hồ năm xưa phải đối mặt: cuộc chiến với đói nghèo và chống lại những di chứng của chất độc da cam/dioxin.

Trên mặt trận không tiếng súng ấy xuất hiện những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vươn lên, tiêu biểu là cựu trinh sát Lưu Hữu Trường (67 tuổi) ở tiểu khu 5, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Giữa cái nắng gắt của trung tuần tháng Bảy, theo chân cán bộ văn hóa phường Nam Lý, chúng tôi tới thăm gia đình cựu chiến binh Lưu Hữu Trường. Bước vào sân, chúng tôi bị ấn tượng mạnh trước hình ảnh mấy đứa trẻ nhỏ đang cùng một cô gái có khuôn mặt méo mó, ánh mắt ngờ nghệch đang hát hò, chơi đùa vô tư trong căn nhà cấp 4 bình dị cũ kỹ nằm nép mình bên những gốc nhãn nặc nè quả non. Người lính quê chất phác Lưu Hữu Trường vừa kết thúc việc làm vườn, vồn vã bắt tay và dẫn khách vào nhà.

Rót chén nước mời khách, hướng ánh nhìn về phía cô gái đang chơi ngoài sân, ông Trường nói: Con gái út của gia đình tôi đó. Đã gần 30 tuổi rồi mà nó vẫn như một đứa trẻ, mất tự chủ trong sinh hoạt, ngay cả vệ sinh cá nhân của cháu, vợ chồng tôi cũng phải làm giùm. Cháu nó là đứa thứ 2 trong 4 đứa con đã bị nhiễm chất độc da cam từ tôi. Nhấp ngụm trà nóng, người lính già bắt đầu kể về cuộc đời mình.

Tháng 4/1968, trong hào khí giục giã tòng quân bảo vệ Tổ quốc, cùng bao trai tráng, chàng sinh viên trường Tài chính kế toán I Trung ương tại Hải Dương Lưu Hữu Trường xếp bút nghiên, náo nức cắt tay lấy máu viết đơn xin ra trận. Sau mấy tháng huấn luyện cơ bản ở Vĩnh Phúc, Lưu Hữu Trường biên chế về đơn vị D17, F308B. Tháng 11/1968, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khói lửa. Khi đó ông đã là lính trinh sát thuộc đơn vị K810, đoàn 5, Quân khu Trị Thiên. Có mặt trong những trận chiến ác liệt nhất, nhiều lần bị thương Lưu Hữu Trường được chuyển ra Bắc an dưỡng.

Chiến tranh kết thúc, năm 1973 Lưu Hữu Trường trở về nhà mang theo mình chất độc da cam kèm theo những vết thương ở phần ngực và chân phải. Ông chuyển ngành, làm kế toán và lập gia đình với nữ thanh niên xung phong Lê Thị Ngọc (sinh năm 1949). Vợ chồng ông Trường sinh được 4 người con nhưng người con trai thứ hai (sinh năm 1977) và cô con gái út (sinh năm 1985) bị nhiễm chất độc da cam. Đôi mắt ngấn lệ, bà Ngọc trải lòng: Khi mới chào đời, như những đứa trẻ khác, chúng cũng bụ bẫm, xinh xắn. Mỗi lần đi làm về, nhìn thấy các con, bao mệt nhọc như tan biến. Không ngờ ít năm sau sức khỏe của đứa thứ 2 và đứa út yếu dần, èo uột, chậm chạp và trí nhớ cũng suy giảm. Nặng nhất là đứa út, mỗi lần trở gió, cháu nó lại ôm đầu kêu đau vật vã, nhìn con mà xót lắm…

Thương con, vợ chồng ông Trường không tiếc tiền bạc, công sức đưa đi chạy chữa khắp nới nhưng không có kết quả. Mãi sau này, ông Trường mới biết các con đã bị nhiễm chất độc da cam từ mình. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào đồng lương ít ỏi của ông bà, giờ thêm việc lo thuốc thang chạy chữa cho con khiến cuộc sống người cựu trinh sát chật vật, khó khăn bội phần. Vậy là cái nghèo, cái đói quẩn quanh, bám riết lấy vợ chồng ông. Từ đó, người lính trinh sát Lưu Hữu Trường càng nuôi ý chí, quyết tâm thoát nghèo.

Năm 1994, một người bạn ở Đông Hà (Quảng Trị) giới thiệu và giúp đỡ về kỹ thuật, ông Trường bàn với vợ mượn tiền ngân hàng mở nghề in. Để học các quy trình và cách in ấn người thợ phải mất 6 tháng nhưng với tố chất thông minh và ham học hỏi, ông Trường chỉ mất 1 tuần với 3 ngày trực tiếp đứng máy đã thành thạo các thao tác.

Ông Trường nhớ lại: Lúc ấy, cả Quảng Bình chỉ có 1 xưởng in của tỉnh và xưởng in bé tý của nhà tôi nữa là 2 nên đơn đặt hàng nhiều vô kể. Công việc bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mịt cũng chưa hết việc. Nhiều khi khách hàng hối thúc, ăn cơm tối xong hai vợ chồng lại lục tục làm cho đến 3, 4 giờ sáng hôm sau, lắm lúc vừa làm vừa ngủ gục ngay trên bàn in. Bà Ngọc tiếp lời chồng: Công việc vất vả là thế mà lợi nhuận cũng chẳng đáng là bao. Đơn đặt hàng nhiều đáng lẽ vui nhưng vợ chồng lại lo. Bởi nếu nhận làm hết thì vợ chồng lấy đâu ra thời gian để đưa con đi điều trị bệnh thường xuyên. Nhưng không nhận đơn hàng thì mất khách, còn bỏ nghề thì lấy gì mà nuôi 2 con ăn học, lấy tiền đâu mà thuốc thang cho 2 đứa bệnh tật.

Cái khó ló cái khôn. Năm 1995, nhận thấy lợi ích từ Chương trình 327 của Chính phủ, ông Trường quyết định chuyển nghề, dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư nhận khai hoang 4ha đất vùng đồi Quyết Tiến để cải tạo, trồng bạch đàn, tràm, cao su. Thời điểm bấy giờ, người dân trong xóm ai nấy đều ngỡ ngàng, ái ngại trước quyết định của ông. Ông Trường nhớ lại: Khi bắt đầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp tôi cũng thấy mình liều. Vốn liếng đầu tư chủ yếu là vay mượn; kỹ thuật sản xuất bản thân còn lơ mơ, thời tiết bấy giờ cũng lắm lúc thất thường. Nhưng tôi vẫn tin rằng trồng cây cao su, tràm và bạch đàn chỉ vất vả, tốn công sức năm đầu tiên còn sau đó là thu hoạch theo thời vụ nên mình sẽ có thời gian lo lắng, chăm sóc con ốm đau, bệnh tật. Đến hôm nay, tôi thấy mình đã có quyết định đúng đắn.

Năm 2004, vườn bạch đàn và tràm của gia đình ông Trường bắt đầu cho thu nhập, trừ chi phí được từ 30 - 40 triệu đồng. Sau khi bán tràm và bạch đàn, ông Trường chuyển sang trồng cao su vì có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đầu tư đúng hướng, đến năm 2006, 3ha cao su của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch mủ và thu lợi gần 50 triệu đồng. Song song với việc trồng cao su, ông Trường còn chú trọng việc chăn nuôi bò, gà vừa để lấy phân cung cấp cho cây trồng vừa có thêm nguồn thu với khoảng 20 – 30 chục triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, diện tích cao su của gia đình ông Trường lên đến 7ha; mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu được 170 – 200 triệu đồng từ khai thác mủ cao su và còn góp phần giải quyết việc làm cho 5 người với thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện hai người con lành lặn của vợ chồng ông Trường đã có công việc và gia đình ổn định. Người con đầu (sinh năm 1975) là giáo viên, người con thứ ba (sinh năm 1979) làm công an. Đây như là món quà tinh thần, là niềm an ủi, động viên giúp vợ chồng ông yên tâm vui sống tuổi già.

Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng Lao động – Thương binh&Xã hội thành phố Đồng Hới không ngớt lời khen: Ông Lưu Hữu Trường đã trải qua bao biến cố trong cuộc sống, luôn nỗ lực và cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, giúp ích cho gia đình và xã hội. Ông luôn nhiệt tình và làm tròn trách nhiệm của một Tiểu khu trưởng trong suốt 10 năm (1998-2009). Chúng tôi thực sự quý trọng và khâm phục ông Trường

Hậu quả chiến tranh với những mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể của người lính trinh sát năm xưa. Chất độc da cam/dioxin vẫn từng ngày hành hạ ông và những đứa con của tội nghiệp của ông. Mỗi ngày đi qua, ông Trường vẫn gồng mình, lặng lẽ chống chịu với những nỗi đau mà chiến tranh để lại nhưng với vợ chồng ông Trường – những người từng vào sinh ra tử, từng hy sinh một phần xương máu bảo vệ nền độc lập dân tộc – họ không bao giờ chấp nhận đầu hàng số phận. Họ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau về ý chí và nghị lực vươn lên./.

Võ Thị Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục