Nghị quyết 42: Tạo cú hích xử lý nợ xấu của ngân hàng Agribank

Tính đến ngày 15/8, Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32%/tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi.
Giao dịch tại Agribank. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14, Agribank là ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể để “giải cứu” nợ xấu ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành.

Triển khai quyết liệt

Sau khi tham dự hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống: Thành lập 2 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường.

[Nợ xấu sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian sắp tới?]

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng đã ban hành văn bản về miễn, giảm lãi theo hướng tổng điều chỉnh giảm lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực). Đồng thời, Agribank cũng áp dụng cơ chế miễn 100% lãi quá hạn; miễn, giảm lãi đối với khách hàng khó khăn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh nhất với mức miễn, giảm lãi cao nhất có thể lên tới 100% số lãi tồn đọng. Với chính sách và cơ chế này, số lãi mà Agribank có thể miễn, giảm lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Agribank sẽ thực hiện cho vay hỗ trợ khó khăn đối với tất cả khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, đã bán.... nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Đây có thể coi là chính sách ưu đãi với khách hàng đang có nợ xấu…

Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh nhấn mạnh: "Nghị quyết 42 là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, là điều kiện cần, nhưng để thu hồi nợ có hiệu quả, phải có điều kiện đủ đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nội dung Nghị quyết này của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến toàn hệ thống và toàn thể cán bộ, nhân viên Agribank."

Tính đến ngày 15/8, Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32%/tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi; trong đó thu đã bán cho VAMC là 5.515 tỷ đồng chiếm 13,8% nợ đã bán (39.907 tỷ đồng); thu nợ đã xử lý rủi ro 6.921tỷ đồng, chiếm 14,8% nợ đã xử lý rủi ro (46.698 tỷ đồng); thu và xử lý nợ xấu nội bảng 34.402 tỷ đồng; thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09, Nghị định 55 là 15.093 tỷ đồng...

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ

So với pháp luật hiện hành, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu, góp phần xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, tuy nhiên sau 1 năm triển khai Nghị quyết này đã xuất hiện một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cụ thể như công tác quản trị rủi ro tín dụng đã được nghiên cứu triển khai nhưng vẫn còn thiếu một số công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro. Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới được ban hành, cần có thời gian để triển khai thực hiện.

Các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại tài sản đảm bảo, tuy nhiên quá trình xử lý tài sản đảm bảo lại gặp khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án. Như vậy, tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản đảm bảo là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản đảm bảo cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Mặc dù đã có sự phối hợp giữa các bên liên quan, song để việc triển khai Nghị quyết 42 đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt giữa các đơn vị liên quan, tránh tình trạng tổ chức tín dụng đơn độc trong xử lý nợ xấu.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC…

Với mục tiêu quyết liệt cùng ngành ngân hàng xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại thời gian tới, đặc biệt tập trung tối đa mọi nguồn lực để xử lý thu hồi nợ sau xử lý nhằm tăng năng lực tài chính trước khi cổ phần hóa theo lộ trình vào năm 2019, Agribank xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động này đó là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt sử dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý thu hồi nợ đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.

Agribank cũng như các tổ chức tín dụng khác mong muốn các Bộ, ngành liên quan bám sát Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng trước khi thực hiện thu hồi nợ vay đúng theo tinh thần của Nghị quyết 42; hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, tập trung quyết liệt hơn nữa trong giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; hướng dẫn chỉ đạo về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42... đồng thời, cùng ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 42, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về xử lý nợ xấu, nhằm gia tăng hơn nữa ý thức trả nợ của khách hàng./.

Nghị quyết 42 - đòn bẩy xử lý nợ xấu. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục