Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 UBTV Quốc hội

UBTV Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 UBTV Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, sau một ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, phiên chất vấn thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp là đúng trọng tâm, phù hợp, sát với diễn biến thực tế đời sống, trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm.

Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao của người chất vấn và người trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng thời, đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Cụ thể, đối với lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;" tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đẩy mạnh thực hiện các phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, các lực lượng phòng, chống ma túy quốc tế, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia...

[Kỹ lưỡng, trách nhiệm cao trong chuẩn bị các dự án trình Quốc hội]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tích cực triển khai phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen," cho vay lãi nặng, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động "tín dụng đen;" hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; phối hợp quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các cam kết quốc tế...

"Chậm nhất là ngày 30/9/2022, hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo yêu cầu của công dân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời. Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy bắt đầu từ 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi)... Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, hộ chiếu theo mẫu mới của công dân Việt Nam, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước," Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 UBTV Quốc hội ảnh 2Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành về phát triển du lịch...

Các bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15; có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài ra, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa (sửa đổi Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu, xây dựng Luật về Nghệ thuật biểu diễn); nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa...

Tại Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích; triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, gắn với bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, nhất là cho thế hệ trẻ; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đặc biệt là trên không gian mạng...

Nghị quyết nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại phiên họp tháng 9 hằng năm.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Trên cơ sở nghị quyết và thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách theo quy định, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục