Nghị sỹ Canada hối thúc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông

Thượng nghị sỹ Canada Victor Oh ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về những tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề này.
Nghị sỹ Canada hối thúc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông ảnh 1Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 17/7/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/7, Thượng nghị sỹ Canada Victor Oh đã ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về những tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề này.

Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết trong thông cáo báo chí gửi tới các phóng viên, Thượng nghị sỹ Victor Oh cho rằng mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines đối với những yêu sách hàng hải gây tranh cãi ở Biển Đông, nhưng vẫn chưa có một giải pháp lâu dài để giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại dai dẳng này.

Theo ông, những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đang gây quan ngại sâu sắc và có thể hủy hoại hòa bình cũng như ổn định của khu vực.

Thượng nghị sỹ Victor Oh kêu gọi các bên cùng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hiện nay.

Ông nhấn mạnh: “Tôi khuyến khích tất cả các bên cùng nhau tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Mặc dù mục tiêu này có vẻ khó đạt được, nhưng nó không phải là không thể.”

Cũng theo Thượng nghị sỹ này, việc các nước đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc sẽ hợp tác và tiến hành các cuộc thảo luận hòa bình thông qua các cách tiếp cận cả song phương và đa phương có thể sẽ giúp đưa đến một giải pháp có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.

Vì vậy, “tất cả các bên nên tham gia vào một cuộc đối thoại thân thiện và cởi mở để hướng tới mục tiêu trên, vì lợi ích của các quốc gia liên quan và toàn thể cộng đồng thế giới.”

Trước đó một ngày, Thượng nghị sỹ Tobias C. Enverga Jr. cũng gửi thông cáo báo chí liên quan đến phán quyết của PCA hôm 12/7. Ông Enverga nhấn mạnh đây là một “tuyên bố rõ ràng của cộng đồng quốc tế về việc yêu sách của Trung Quốc không được chấp nhận.”

Ông hối thúc Chính phủ Canada làm mọi việc trong khả năng để đảm bảo các bên liên quan tuân thủ các công ước quốc tế, đồng thời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc thực thi nghĩa vụ quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh đã phê chuẩn năm 1996. Thượng nghị sỹ Enverga cũng nhấn mạnh trong bản thông cáo: “Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cần hành động để đảm bảo pháp quyền cho tất cả các quốc gia.”

Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục