Nghị sỹ Mỹ cảnh báo hậu quả của việc sa thải quan chức Bộ Tư pháp, FBI

Các nghị sỹ đảng Dân chủ đã cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải các quan chức thực thi pháp luật hàng đầu có thể châm ngòi cho "một cuộc đối đầu" nguy hiểm.
Nghị sỹ Mỹ cảnh báo hậu quả của việc sa thải quan chức Bộ Tư pháp, FBI ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì phiên làm việc của Chính phủ tại Washington, DC ngày 1/11/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 4/2, các nghị sỹ đảng Dân chủ đã cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải các quan chức thực thi pháp luật hàng đầu liên quan đến cuộc điều tra xung quanh nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ có thể châm ngòi cho "một cuộc đối đầu" nguy hiểm. Trong khi đó, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra trên.

Lời cảnh báo trên được đưa ra 2 ngày sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo mật, trong đó cáo buộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp đã lạm dụng quyền lực trong quá trình điều tra chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Tài liệu tập trung vào cuộc giám sát được tòa án hậu thuẫn đối với ông Center Page - cựu cố vấn đối ngoại của ban vận động tranh cử của ông Trump bị nghi ngờ làm gián điệp do những mối liên hệ thường xuyên với các quan chức Nga. 

Bản ghi nhớ cáo buộc FBI đã sử dụng thông tin từ cựu nhân viên tình báo người Anh Christopher Steele, vốn có thành kiến với Tổng thống Trump, để đánh giá hành động của ông Page. Theo đó, Ủy ban Tình báo nghi ngờ hồ sơ về các cuộc liên lạc giữa ông Trump với phía Nga do ông Steele tổng hợp và được phe Dân chủ tài trợ một phần đã tạo nên "một phần quan trọng" trong các yêu cầu gửi đến một tòa án đặc biệt để được phép tiến hành theo dõi ông Page.

[Cựu cố vấn tranh cử của Tổng thống Mỹ kiện Bộ Tư pháp]

Các nghị sỹ Dân chủ đã phản đối việc công bố bản ghi nhớ trên, cho rằng điều này là "sai lầm" và có thể nhằm tạo cơ hội để Tổng thống Trump sa thải các quan chức cấp cao và phá hỏng cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller về các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để giúp ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Thượng nghị sỹ Dick Durbin cảnh báo mọi động thái của Tổng thống Trump chống lại các quan chức thực thi pháp luật cấp cao tham gia cuộc điều tra trên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ông Durbin bày tỏ hoài nghi về việc đa số các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện sẽ ủng hộ luật pháp và Hiến pháp nếu Tổng thống giữ lập trường cứng rắn trên, qua đó làm gia tăng nguy cơ dẫn đến "một cuộc đối đầu không cần thiết tại Mỹ." Theo ông Durbin, việc FBI gửi đề nghị đến một tòa án đặc biệt để được cho phép theo dõi ông Page không đồng nghĩa yêu cầu này được đưa ra một phần dựa trên một tài liệu do đảng Dân chủ tài trợ.

Về phần mình, nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff cho rằng mục đích của việc công bố bản ghi nhớ trên là nhằm hủy hoại và hạ huy tín của FBI cũng như cuộc điều tra của ông Mueller. Ông còn cáo buộc nhiều khả năng các nghị sỹ của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện đã "phối hợp với Nhà Trắng" liên quan đến bản ghi nhớ trên, đồng thời kêu gọi cơ quan này sớm bỏ phiếu công bố bản ghi nhớ riêng của ông này để đáp trả tài liệu của đảng Cộng hòa.

Trong một tín hiệu cho thấy một sự chia rẽ mới trong nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump, cùng ngày, 4 thành viên Ủy ban trên, gồm các nghị sỹ Trey Gowdy, Chris Stewart, Will Hurd và Brad Wenstrup , cho rằng không nên để việc công bố bản ghi nhớ ảnh hưởng và làm suy yếu cuộc điều tra của ông Mueller. Cả 4 nghị sỹ này cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với công tố viên Mueller, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein - người đã thuyết phục thành công Tổng thống Trump cho phép kéo dài việc theo dõi, và Giám đốc FBI Christopher Wray trong bối cảnh FBI và Bộ Tư pháp đang đối mặt với những chỉ trích gần như chưa có tiền lệ nào từ một Tổng thống Mỹ.

Trong chương trình "Face the Nation" của CBS, nghị sỹ Gowdy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, cho rằng "ông Rosenstein hoàn toàn có thể giúp điều hành một Bộ Tư pháp mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng." Trong khi đó, trên đài Fox News, nghị sỹ Stewart nhấn mạnh "sẽ là một sai lầm đối với bất kỳ người nào cho rằng công tố viên Mueller không nên tiếp tục công việc."

Về phần mình, trao đổi với hãng ABC, nghị sỹ Hurd cho rằng ông Mueller cần được tạo điều kiện để điều tra một cách cẩn thận, theo đuổi mọi manh mối liên quan đến khả năng Nga can thiệp bầu cử.

Trong khi đó, cựu Giám đốc CIA Leon Panetta cũng bảo vệ công việc của các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật, cảnh báo sẽ là "một sai lầm lớn" nếu Tổng thống Trump có ý định sa thải ông Rosenstein hay ông Mueller. Theo ông Panetta, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ông Trump cũng như nhiệm kỳ của ông, và quan trọng hơn cả là làm tổn hại đến nước Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục