Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày 5/2 đã công bố dự luật chống buôn lậu và buôn bán vũ khí. Đây là một trong hàng loạt biện pháp của giới chức nhằm kiểm soát sở hữu súng đạn tại Mỹ và được kỳ vọng sẽ sớm được thông qua, đồng thời cho thấy sự hợp tác hiếm hoi giữa các nghị sỹ của hai đảng vốn đã có những bất đồng gay gắt về vấn đề kiểm soát vũ khí sau khi xảy ra vụ thảm sát tại một trường tiểu học bang Connecticut khiến 26 người thiệt mạng. Dự luật này do hai nghị sỹ Cộng hòa và hai nghị sỹ Dân chủ bảo trợ nhằm ngăn chặn hiện tượng những người có lý lịch trong sạch mua vũ khí nóng rồi bán lại cho các đối tượng tội phạm không được phép sở hữu súng đạn. Văn kiện cũng quy định những người khai man lý lịch hoặc vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam; đồng thời sẽ tăng các hình phạt đối với các tổ chức buôn bán ma túy. Các tác giả dự luật nhấn mạnh văn kiện này không đi ngược lại quyền sở hữu súng hợp pháp của nguời Mỹ trong Hiến pháp bổ sung lần hai. Nhằm tăng sức nặng cho dự luật này, nghị sỹ Dân chủ Elijah Cummings khẳng định rằng văn kiện được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tế và có tính khả thi cao. Trong nhiều năm qua, giới chức an ninh Mỹ đã ngăn chặn khá hiệu quả, không để súng rơi vào tay của các đối tượng tội phạm. Tuy nhiên, các quy định pháp lý không tránh khỏi các lỗ hổng và tội phạm vẫn có thể mua được súng bằng các con đường khác. Do vậy, với dự luật trên, cơ quan an ninh Mỹ có một công cụ mới để tăng cường sức mạnh cho cuộc chiến này. Trước đó, ngày 24/1 vừa qua, một nhóm các nghị sỹ Mỹ đã công bố dự luật cấm bán các loại vũ khí tấn công sử dụng trong quân đội, một trong những điều khoản chính trong đề nghị kiểm soát súng của Tổng thống Barack Obama. Giới quan sát tại chỗ nhận định nhiều dự luật liên quan tới kiểm soát súng đạn ra đời thời gian vừa qua cho thấy tính cấp bách của vấn đề này. Chính quyền Obama đã ký sắc lệnh hành chính, quy định kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ các vụ mua bán súng, đóng cửa vĩnh viễn một số địa điểm bán lẻ và các phòng trưng bày súng đạn; giới hạn các băng đạn ở mức 10 viên trở xuống; cấm tàng trữ các loại đạn có khả năng bắn thủng áo chống đạn; bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan nhà nước tiến hành nghiên cứu về bạo lực súng đạn; tăng cường dịch vụ y tế tâm thần, kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật cấm các loại vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004...
Tuy nhiên, các bước đi mạnh mẽ này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhóm các nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Quốc hội và Hiệp hội Súng đạn toàn quốc (NRA) - một tổ chức có 4,5 triệu thành viên và được cho là rất có tiếng nói trong Quốc hội Mỹ cũng như ở một số bang./.
(TTXVN)