Nghị sỹ Mỹ nỗ lực thu hẹp bất đồng về ngân sách

Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật chi tiêu mới, trong đó nhất trí bỏ khoản chi cho chương trình Obamacare.
Ngày 25/9, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật chi tiêu mới, trong đó nhất trí bỏ khoản chi cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Mỹ Barack Obama thường biết đến với tên gọi Obamacare.

Giới phân tích nhận định đây được coi là một động thái nhằm thu hẹp bất đồng sâu sắc giữa hai viện Quốc hội Mỹ trong dự thảo ngân sách 2014 khi mà trước đó Hạ viện đã thông qua một kế hoạch ngân sách tạm thời 986 tỷ USD nói "Không" với Obamacare.

Phát biểu ủng hộ dự luật trên, Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho biết sẽ không chi thêm tiền cho chương trình Obamacare và dự luật này xem xét việc gia hạn cấp kinh phí cho hoạt động của chính phủ đến ngày 15/11 tới, thay vì ngày 15/12 như trong dự luật của Hạ viện.

Dự kiến Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu về đề xuất mới trong ngày 29/9 tới và Hạ viện có hai ngày để cân nhắc văn kiện này.

[Nhà Trắng lại đau đầu về vấn đề dự luật ngân sách]

Trong bối cảnh tranh cãi còn rất gay gắt, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng đến ngày 1/10 tới, một bộ phận công sở của chính phủ liên bang Mỹ sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1996 phải đóng cửa vì ngân sách tài khóa mới chưa được thông qua, khiến các bộ, ngành không có tiền hoạt động.

Lo ngại trước tình hình không khả quan trong vấn đề ngân sách, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã cảnh báo Quốc hội rằng Mỹ có thể sẽ mất hết khả năng vay mượn tài chính vào khoảng thời gian trước ngày 17/10 tới, thời điểm Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD tiền trong ngân sách chính phủ.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Lew đã hối thúc các nghị sỹ nhanh chóng nâng trần nợ công hiện ở mức 16.700 tỷ USD của nước này. Ông cảnh báo về một thảm họa nếu chính phủ không thể thanh toán tất cả khoản nợ.

Đạo luật cải cách y tế của chính quyền Obama - Obamacare - quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế.

Hiện tại nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế. Luật cải cách y tế của ông Obama hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm.

Ðể có tiền cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm.

Tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục