Nghị sỹ Mỹ tăng sức ép về quan hệ với Trung Quốc

Nghị sỹ Mỹ hối thúc chính quyền của Tổng thống Obama gia tăng sức ép đối với Trung Quốc tại các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.
Các nghị sỹ hàng đầu của Mỹ tiếp tục hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama gia tăng sức ép đối với Trung Quốc tại các cuộc đàm phán về thương mại toàn cầu sắp tới tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc Bắc Kinh định giá thấp đồng Nhân dân tệ (NDT).

Trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk đề ngày 31/1, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Max Baucus và Chủ tịch Ủy ban Thuế và An sinh xã hội Hạ viện Dave Camp cho rằng Trung Quốc tiếp tục định giá thấp đồng NDT, tạo lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất Mỹ.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại Mỹ.

Hai nghị sỹ này hối thúc chính quyền gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề này trong cuộc họp diễn ra vào tháng Ba tới do Nhóm công tác của WTO về thương mại, nợ và tài chính tổ chức.

Các nghị sỹ khẳng định thay vì các hành động trả đũa đơn phương từ phía Mỹ, Washington cần tới một giải pháp đa phương trong vấn đề này.

Cùng ngày, Hiệp hội các nhà chế tạo Mỹ (AAM), gồm các nhà sản xuất thép và Liên đoàn công nhân ngành thép Mỹ, đã cáo buộc Trung Quốc "bảo hộ bất hợp pháp ngành chế tạo phụ tùng ôtô," đe dọa cướp hơn 1 triệu việc làm của người dân Mỹ và cản trở đà phục hồi của ngành chế tạo xe hơi của Mỹ.

AAM cho rằng sự bảo hộ của Trung Quốc là nguyên nhân khiến hơn 400.000 công nhân Mỹ làm việc trong chuỗi cung ứng phụ tùng xe hơi bị mất việc làm và đang đe dọa 1,6 triệu nhân công khác.

Chiến dịch này của AAM được phát động tại Quốc hội Mỹ chỉ một tuần sau khi Tổng thống Obama tuyên bố sẽ gia tăng sức ép với Trung Quốc và các quốc gia khác mà Mỹ cho là đã bảo hộ xuất khẩu, đồng thời thông báo thành lập một cơ quan giám sát hoạt động này.

Dù ngành công nghiệp ôtô đã phục hồi mạnh mẽ sau khi được chính phủ cứu trợ năm 2008, nhưng các nhà chế tạo phụ tùng ôtô của Mỹ còn đang vật lộn với nhiều khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục