Nghị viện châu Âu bác dự luật về bản quyền gây tranh cãi

Nghị viện châu Âu bác bỏ dự luật về bản quyền gây tranh cãi

Với 278 phiếu thuận và 318 phiếu chống cùng 31 phiếu trắng, EP đã không tán hành dự luật về bản quyền của Liên minh châu Âu vốn gây tranh cãi và khơi mào làn sóng phản đối từ các hãng công nghệ lớn.
Nghị viện châu Âu bác bỏ dự luật về bản quyền gây tranh cãi ảnh 1Toàn cảnh một cuộc họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền đông Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/7, Nghị viện châu Âu (EP) đã bác dự luật về bản quyền của Liên minh châu Âu (EU) vốn gây tranh cãi và khơi mào làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các hãng công nghệ lớn.

Với 278 phiếu thuận và 318 phiếu chống cùng 31 phiếu trắng, EP đã không tán hành dự luật trên.

Gói cải cách luật bản quyền của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản 13 quy định "Việc sử dụng nội dung được bảo vệ bởi nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung trên mạng," theo đó nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những hành vi vi phạm bản quyền của người sử dụng. Như vậy, nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra những công cụ theo dõi và sàng lọc tất cả những nội dung tải lên có thể gây hiệu ứng xấu.

Điều khoản này đã vấp phải sự phản đối của Wikipedia và nhiều nền tảng trực tuyến khác do cho rằng quy định này sẽ dẫn tới sự kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn.

[Phản đối luật bản quyền EU, Wikipedia ngừng hoạt động ở 3 nước]

Dư luật này nhìn chung nhận được sử ủng hộ rộng rãi từ các đài phát thanh truyền hình châu Âu, các nhà sản xuất âm nhạc và giới nghệ sỹ như cựu thành viên ban nhạc Beatles Paul McCartney.

Nội dung của các điều khoản trong dự luật nhằm đảm bảo các nhà sáng tạo nghệ thuật được hưởng lợi nhuận công bằng trong thế giới kỹ thuât số. Tuy nhiên, trái với sự tán dương này, dự thảo luật về bản quyền đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google hay Facebook cũng như các nhà vận động tự do Internet.

Trước đó một ngày, Wikipedia đã thông báo ngừng hoạt động tại ba quốc gia gồm Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan nhằm bày tỏ phản đối nếu EP thông qua văn kiện trên.

Dự kiến, EP sẽ thảo luận lại dự luật này vào tháng Chín. Nếu được EP thông qua, các điều luật cần có thêm sự phê chuẩn của 28 nước thành viên EU. Tuy nhiên, nội bộ từng quốc gia cũng đang bị chia rẽ sâu sắc về sự thay đổi trong luật bản quyền riêng của mỗi nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục