Nghịch lý tàu vỏ sắt “thắt” hành trình mưu sinh của ngư dân

Ước mơ vươn khơi xa làm giàu của ngư dân miền biển đang bị chặn lại bởi những con tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 liên tục bị sự cố, hỏng hóc, thay nhau nằm trên bờ chờ sửa chữa.
Nghịch lý tàu vỏ sắt “thắt” hành trình mưu sinh của ngư dân ảnh 1Tàu vỏ thép công suất hơn 800 mã lực được đóng mới theo Nghị định 67 bị sự cố trong cả 2 chuyến đi biển đang neo đậu tại cảng cá Phú Lạc, Phú Yên. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Ước mơ vươn khơi xa làm giàu của ngư dân Quảng Ngãi đang bị thách thức bởi những con tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 liên tục bị sự cố, hỏng hóc. Các “báo biển” thay nhau nằm bờ chờ sửa chữa khiến họ càng thêm rầu hơn về hành trình mưu sinh.

Trái ngược hẳn với tiếng máy nổ giòn tan phát ra từ những con tàu vỏ gỗ trực chỉ biển khơi thẳng tiến, tàu vỏ sắt mang số hiệu Qng 90999-TS của ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, vẫn nằm im ắng tại cảng cá Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi.

Ông Hân được mệnh danh là người đầu tiên “nổ phát súng” hưởng ứng chính sách đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Tàu vỏ sắt này do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Bạch Đằng, thành phố Hải Phòng đóng. Tàu có chiều dài hơn 27m, thân tàu rộng 7m với công suất 811 CV, tốc độ 11,5 hải lý/giờ. Tàu được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại của Nhật Bản, chuyên hành nghề lưới rê.

Tổng kinh phí đóng tàu lên tới hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu do ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi cho vay. Tàu được bàn giao cho ngư dân Võ Văn Hân vào khoảng cuối tháng 2/2016.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngư dân Hân đã đi được cả thảy 8 phiên biển. Điều đáng nói là, có tới 7 phiên tàu bị sự cố, gây trở ngại cho hoạt động khai thác hải sản. Các lỗi chính thường gặp là hỏng bơm thủy lực, cháy dây curoa, bị rỉ phần boong tàu, bị sứt trụ đứng dùng để buộc dây thừng neo đậu thuyền…

Ngư dân Võ Văn Hân chia sẻ, có những trường hợp đang đánh bắt trúng luồng cá thì bất ngờ bị sự cố hỏng hóc. Nếu cái nào nhẹ thì mình tự mày mò khắc phục, còn nặng thì đành tháo rời gửi tàu bạn đem vào đất liền gửi cho người thân sửa chữa rồi chuyển ngược ra, tốn thời gian lắm, sản lượng khai thác tụt giảm hẳn.

Ngư dân Hân cho biết thêm ông chỉ muốn quay lại với tàu vỏ gỗ. Nguyên do ông đưa ra lả bởi đóng tàu to thì phải thuê nhiều nhân công, mà cứ trục trặc hoài như vậy thì bán không đủ trả tiền ăn chia cho họ, riết rồi mất hết người đi tàu. Thậm chí, muốn giữ họ thì mình phải cho ứng trước tiền, đi vài chuyến thấy không hiệu quả, lần lượt từng người bỏ chủ tàu mà đi, mất cả chì lẫn chài chứ không giỡn.

Bên cạnh đó độ bền của sắt cũng không cao. Chỉ tính riêng dịp Tết vừa rồi, tiền thuê thợ từ Nghệ An vào sơn lại cũng đã ngốn của ngư dân Hân tiền triệu.

Vì mưu sinh, ông đành bấm bụng bỏ tiền túi ra, rồi chờ hoàn tất các thủ tục có liên quan để nhận lại chi phí hỗ trợ từ nhà nước (Nghị định 67 quy định, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép). Đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 42 con tàu được đóng theo Nghị định 67, trong đó có 10 tàu vỏ sắt và 32 tàu vỏ gỗ. Trong 10 tàu vỏ sắt thì có 3 tàu dịch vụ, 7 tàu khai thác.

Không chỉ riêng trường hợp ngư dân Hân, tàu vỏ sắt của ngư dân Nguyễn Thanh Hồng trú xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi và Trương Văn Chín trú xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ cũng lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi bị các lỗi kỹ thuật như hỏng hộp số phải nhờ tàu Hải quân lai dắt về đất liền, bị hỏng tời kéo lưới…

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho hay nếu đánh giá khách quan về tính ưu việt giữa tàu vỏ gỗ và tàu vỏ sắt (đóng theo Nghị định 67) thì tàu vỏ gỗ vẫn nhỉnh hơn, ít mắc lỗi, hiệu quả đánh bắt đạt.

Phía Chi cục kiến nghị, các cấp có thẩm quyền cần phải tổng kết, đánh giá lại toàn bộ các mẫu tàu đã đưa vào sử dụng trong thời gian qua, đồng thời phải tăng cường quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra của nguyên liệu (vỏ thép đóng tàu, động cơ…) để không trùng khớp nhau kiểu nhập một đường xuất một nẻo.

Hướng khác nữa là các công ty đóng tàu cũng nên thoáng hơn trong việc thiết kế hình mẫu con tàu, đừng gò bó ngư dân mà phải để họ chủ động chọn lựa theo ý mình cho phù hợp với điều kiện ngư trường khai thác.

Ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Tổng cục thủy sản đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ nguyên nhân số tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng.

Nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào sẽ quy rõ trách nhiệm cá nhân liên quan, đồng thời, thuê đơn vị giám định độc lập để đảm bảo tính khách quan.

Trước mắt, Tổng cục thủy sản đã chỉ đạo các địa phương, chủ tàu phối hợp với cơ sở đóng tàu khẩn trương khắc phục sự cố nhằm đảm bảo cho các tàu hoạt động khai thác, hạn chế thiệt hại cho ngư dân.

Hiện các cơ sở đóng tàu đang tiến hành các biện pháp bảo hành, bảo dưỡng cho các tàu bị hư hỏng.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, trong số 5 tàu bị rỉ sét do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng, thì cả 5 chiếc vẫn đang hoạt động ngoài khơi, khi nào về bến sẽ tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng.

Còn lại 5 tàu khác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng bị hỏng máy; trong đó có 2 chiếc bị hỏng máy chính, 3 chiếc hỏng máy phát điện.

Công ty này đã cử cán bộ kỹ thuật, thợ cùng với người của hãng máy vào Bình Định phối hợp với chủ tàu kiểm tra, tiến hành sửa chữa khắc phục sự cố, để ngư dân sớm đưa tàu vào hoạt động.

Đã có 1 chiếc sau khi được sửa chữa đã hoạt động bình thường và trúng được mẻ cá gần 90 tấn.

Như vậy, trong số 10 chiếc tàu cá bị hư hỏng chỉ có 4 chiếc nằm bờ sửa chữa máy, còn 6 chiếc vẫn đang hoạt động khai thác trên biển.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu. Ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn và giải ngân cho 945 tàu tàu cá được đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67; trong đó có 375 tàu vỏ thép.

Hiện đã có gần 600 tàu cá đi vào hoạt động (trong đó có gần 200 tàu vỏ thép). Các tàu này đi vào hoạt động đều có hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ ngân hàng được gần 100 tỷ đồng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục