Nghịch lý trong tuyển sinh đại học

Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học, nhất là các ngành “hot” cao chót vót, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đột biến, thậm chí tăng đến 11 điểm. Có ngành lấy điểm chuẩn lên đến trên 30 điểm trong khi tổng điểm thi tối đa chỉ ở mức 30 điểm. 130 thí sinh dù đạt đến 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1…

Đây là những nghịch lý khiến cho mùa tuyển sinh đại học năm nay “kịch tính” hơn bao giờ hết. Và theo các chuyên gia, điều này cho thấy việc sử dụng điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đang bộc lộ ngày càng rõ hơn những bất cập. Đã đến lúc, cần phải thay đổi!

“Rượu mới, bình cũ”

Việc các trường sử dụng điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển được thực hiện từ năm 2015,  khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ tổ chức Kỳ thi tuyển sinh đại học, tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu kép: Điểm thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Với mục tiêu đó, đề thi được phân hóa cao để phân loại thí sinh.

Tuy nhiên, năm 2019, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi tên Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mục đích của kỳ thi được xác định là để xét công nhận tốt nghiệp. Mức độ đề thi vì thế cũng được điều chỉnh tương ứng theo hướng giảm độ khó để phù hợp với mục đích của kỳ thi.

Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi hầu hết các môn của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 75%-80% câu hỏi ở mức độ dễ, nhận biết và thông hiểu. Số câu hỏi vận dụng cao không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, ở nhiều môn, các câu hỏi vận dụng cao cũng có dạng đề khá quen thuộc.

Đề thi không quá khó, thí sinh hào hứng rời trường thi. (Ảnh: TTXVN)

Sự thay đổi trong tính chất của kỳ thi và độ khó, độ phân hóa của đề thi đã được thể hiện rõ ở kết quả thi khi mức điểm trung bình của các môn thi đã tăng rõ rệt kể từ năm 2020.

Số bài thi đạt từ 8 điểm trở lên trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (năm 2020, 2021) cao gấp hàng chục lần so với điểm Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (năm 2018, 2019), tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình giảm còn 1/3.

Theo số liệu phân tích của giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu năm 2018, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở môn Toán chỉ là 1,2% thì năm 2020, số điểm 8 trong môn Toán của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 29,7% (tăng gấp gần 25 lần), năm 2021 là 25,7% (tăng trên 21 lần).

Tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên (riêng môn Ngữ văn thống kê từ 7 điểm) từ năm 2020 đã tăng gấp nhiều lần ở tất cả các môn so với các năm trước đó

Tương tự, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên của môn Tiếng Anh tăng từ 2,7% năm 2018 lên 22,4% năm 2021 (gấp hơn 8 lần), mức tăng này ở môn Hóa học là từ 2,6% lên 24,9% (gấp hơn 9 lần), môn Vật lý tăng từ 2,8% lên 18,3%; môn Địa lý tăng từ 3,16% lên 22%…

Tỷ lệ số bài thi đạt từ 8 điểm trở lên ở tất cả các môn (riêng môn Ngữ văn tính từ 7 điểm trở lên) đã có sự thay đổi hoàn toàn từ thời điểm năm 2020, khi kỳ thi thay đổi về tính chất, mục tiêu.

Tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình giảm mạnh từ năm 2020 ở tất cả các môn

Theo dữ liệu điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình ở môn Toán đã giảm từ 49,32% năm 2018 xuống 18% năm 2020 (giảm 2,7 lần), môn Hóa giảm từ 50,6% xuống còn 16,3% (giảm 3,1 lần); môn Địa lý giảm từ 31,64% xuống còn 6,2%% (giảm hơn 5 lần); môn Vật lý từ 48,4% xuống còn 13% (giảm 3,7 lần)…

Nếu năm 2019, điểm trung bình của hầu hết các môn thi (7 trên tổng số 9 môn, trừ Địa lý và Giáo dục công dân) đều ở mức trung bình thấp (dưới 6 điểm), thậm chí môn Ngoại ngữ và Lịch sử còn ở mức yếu (dưới 4,5 điểm) thì năm 2020, điểm trung bình của 6 môn thi đã vươn lên mức khá (trên 6,5 điểm), thậm chí môn Giáo dục công dân có điểm trung bình ở mức giỏi (trên 8 điểm.)

Mức tăng điểm trung bình của các môn thi qua các năm.

“Với tình hình đề thi và kết quả điểm như đã thống kê ở trên cho thấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường hot,” giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

“Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường hot “

Tuy nhiên, trong khi tính chất, mục tiêu và cả tên gọi của kỳ thi đã thay đổi, dẫn đến sự thay đổi của đề thi, thay đổi trong cơ cấu điểm thi từ năm 2020 nhưng điểm kỳ thi này vẫn được các trường đại học sử dụng làm tiêu chí xét tuyển như trước đó. Quy chế tuyển sinh đại học vẫn giữ nguyên cách tính điểm cộng ưu tiên cho các tính sinh theo mức điểm chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm, giữa hai đối tượng kế tiếp là 0,25 điểm. Đề thi dễ hơn, điểm thi tăng lên, kéo theo điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học tăng.

Đặc biệt, trong năm 2021, do tác động của dịch COVID-19 khiến việc học của thí sinh gặp nhiều khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự điều chỉnh giảm mức độ đề so với năm 2020, kết quả thi theo đó lại tiếp tục tăng lên, điểm chuẩn đại học tăng lên tương ứng, đặc biệt ở các tổ hợp xét tuyển có các môn khối xã hội và Tiếng Anh. Nếu năm 2020, cả nước có 5.965 điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì năm nay, con số này đã tăng gấp hơn 4 lần, lên 24.555 điểm 10.

Sau niềm vui làm bài tốt của thí sinh là sự bứt phá của điểm chuẩn xét tuyển dại học. (Ảnh: TTXVN)

Điểm chuẩn tiến dần… lên “mây”

Trong giai đoạn trước 2019 (trừ năm 2017), điểm chuẩn đại học được coi là tăng mạnh khi có mức tăng từ 2 đến 3 điểm. Năm 2020, điểm chuẩn đại học gây “sốc” khi có biên độ tăng từ 2 đến 5 điểm. Tuy nhiên, biên độ tăng điểm chuẩn năm 2021 còn nới rộng lên đến… 11 điểm.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt 1 xét tuyển sinh đại học năm nay, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành).

Có 265 ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Trong số đó, nhiều nhất là khối Kỹ thuật-Công nghệ với 70 ngành, khối Sư phạm có 64, khối Kinh doanh và Quản lý (42 ngành), Xã hội và Nhân văn (32 ngành), Pháp luật (10 ngành)…

Có 30 ngành học có mức điểm chuẩn tăng từ 9 đến 11 điểm.

Điểm chuẩn của các trường đại học vốn đã cao trong năm 2020 càng lên chót vót hơn trong mùa tuyển sinh năm nay, với hàng loạt ngành có mức điểm chuẩn ở mức trên 28 điểm ở khối ngành kỹ thuật, kinh tế; trên 29 điểm với khối ngành xã hội, sư phạm, luật…

Nhận xét về mức độ tăng điểm chuẩn của các trường năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay các trường tốp trên có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường tốp giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.

Mức điểm chuẩn cao nhất của các trường đại học tăng đều qua các năm

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường tốp trên ổn định hoặc tăng nhẹ do mức điểm chuẩn của các ngành này năm 2020 vốn đã rất cao và khó có thể tăng cao hơn được nữa. Trong khi đó, điểm của nhóm ngành, trường tốp giữa vẫn không ngừng tăng lên, tiệm cận trường tốp đầu.

Nếu năm 2019, điểm chuẩn ngành cao nhất của Đại học Thương mại, một trường tốp giữa của khối ngành kinh tế, là 24 điểm, thì năm 2020, 24 là mức điểm chuẩn thấp nhất trong tất cả 26 chương trình đào tạo của trường này, điểm chuẩn cao nhất đã tiến lên 26,7 điểm, cao hơn cả điểm chuẩn cao nhất năm 2019 của Đại học Ngoại thương – trường tốp đầu trong khối ngành kinh tế. Trong khi đó, mức điểm chuẩn cao nhất của Đại học Ngoại thương tịnh tiến từ 26,4 điểm năm 2019 lên 28,15 điểm năm 2020 và tiếp tục lên 28,56 điểm năm 2021.

Ở khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn của cao nhất của Đại học Giao thông vận tải, một trường thuộc tốp giữa, năm 2019 là 21,5 điểm, năm 2020 tăng lên 25 điểm, năm 2021 lên 26,35 điểm. Trường tốp đầu ở khối này là Đại học Bách khoa có mức điểm chuẩn ngành cao nhất tăng từ 27,42 điểm năm 2019 lên 29,04 năm 2020 và 28,43 năm 2021.

Điểm chuẩn tăng dần đến vượt trần của ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Đại học Hồng Đức

Trường tốp đầu tăng tiệm cận điểm trần, thậm chí có trường vượt điểm trần (30 điểm) nhờ sự hỗ trợ của điểm ưu tiên, đưa điểm chuẩn lên… mây.

Cụ thể, nếu như điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức năm 2019 là 24 điểm, thì năm 2020 là 29,25 điểm và năm nay đã lên mức kỷ lục 30,5 điểm. Ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân có điểm chuẩn 30,34 điểm. Điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là 30 điểm. Các điểm chuẩn này đều áp dụng cho thí sinh khối C, gồm các môn Văn, Sử, Địa. Đây vốn là tổ hợp rất khó để đạt điểm tuyệt đối do đặc thù của môn Ngữ văn.

Theo dữ liệu điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, mức điểm cao nhất của khối C là 29,25 điểm và chỉ có hai thí sinh đạt điểm số này. Như vậy, để có 30 điểm, thí sinh phải có điểm cộng ưu tiên.

Với các thí sinh khu vực 1, thuộc các vùng đô thị, không được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học, thì đây là mức điểm chuẩn “trên trời,” không tưởng, vì dù có nỗ lực hết sức trong kỳ thi, các em chỉ có thể dành được tối đa 30 điểm.

Điểm chuẩn được đẩy lên cao chót vót với hàng trăm ngành có biên độ tăng từ 5 đến 11 điểm đã vượt dự kiến, tính toán của nhiều thí sinh, khiến cho nhiều em bị trượt hết tất cả các nguyện vọng, dù có em đăng ký đến 11 nguyện vọng, có em điểm cao ngất ngưởng.

Chi tiết 130 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1.

Theo thống kê của Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 130 thí sinh đạt đến điểm số “mơ ước” là 29,5 điểm (gồm cả điểm cộng ưu tiên) nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Trong số này có 69 em đỗ ở các nguyện vọng khác và 61 em không có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Số thí sinh đạt 27 điểm trở lên (chưa gồm điểm ưu tiên) nhưng vẫn trượt đại học nào là 165 em.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm một việc chưa từng có tiền lệ là trao đổi với một số trường đại học lớn và các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi Tốt nghiệp trung học phổ thông cao, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Đã đến lúc phải thay đổi

Dù điểm đầu vào cao nhưng lãnh đạo một số trường vẫn thẳng thắn thừa nhận điều đó không đồng nghĩa với việc chất lượng thí sinh tăng lên, thậm chí còn là một khó khăn khi trường sẽ không chọn được thí sinh tài năng thực sự.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm Kỳ thi tớt nghiệp trung học phổ thông hiện nay đã tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc đổi mới tuyển sinh đại học là vô cùng cấp thiết. “Việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học, dùng ‘2 trong 1’ chỉ là phương án tạm thời trong thời điểm giao thời khi nhiều trường đại học chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh đại học riêng,” giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức. (Ảnh: ĐH QGHN)

“Từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay đã tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc đổi mới tuyển sinh đại học là vô cùng cấp thiết.”

Luật Giáo dục Đại học trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và trên thực tế, sau năm 2020, khi điểm chuẩn đại học tăng đột biến vì Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm độ phân hóa, nhiều trường đại học đã tính đến phương án tuyển sinh riêng bên cạnh phương thức tuyển sinh theo điểm kỳ thi này.

Theo đề án tuyển sinh năm 2021 do các trường công bố, đa số trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh khác bên cạnh xét tuyển theo điểm kỳ thi này như xét điểm học bạ, xét các chứng chỉ quốc tế, xét học sinh trường chuyên, tuyển thẳng thí sinh các cuộc thi uy tín như Đường lên đỉnh Olympia… Nhiều trường đã lên phương án có thêm kỳ thi tuyển sinh riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội với Bài thi tư duy, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thi Đánh giá năng lực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thi Năng khiếu báo chí, các trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Việt-Đức…

Tuy nhiên, phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các trường vẫn sử dụng xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, các trường đã không thể tổ chức thi.

Theo phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, do Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được xác định mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp và với thực tế điểm thi hiện nay, trong thời gian tới, các trường đại học sẽ phải thay đổi phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ không theo hướng các trường tự tổ chức thi riêng mà phải liên kết để có thể có kỳ thi chung hoặc sử dụng chung kết quả của một kỳ thi được đảm bảo chất lượng.

“Sự thay đổi này sẽ không theo hướng các trường tự tổ chức thi riêng mà phải liên kết để có thể có kỳ thi chung hoặc sử dụng chung kết quả của một kỳ thi được đảm bảo chất lượng.”

Phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương

Đây cũng là cách thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích triển khai. Nhấn mạnh việc các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường hợp tác liên kết để xây dựng các phương án xét tuyển khác, ngoài phương thức xét tuyển từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có việc xây dựng các kỳ thi, bài thi để thí sinh chỉ cần dự thi ít lần, giảm vất vả và tốn kém cho các em mà các trường vẫn chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề của mình.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần thông tin về chủ trương hướng tới việc thành lập các trung tâm khảo thí độc lập có khả năng tổ chức các kỳ thi đảm bảo chất lượng để các trường đại học dùng điểm thi xét tuyển. Các kỳ thi có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến và thi nhiều lần trong năm.

Chia sẻ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Kỳ thi sẽ phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh và năm 2022 có khả năng sẽ là năm giao thời, chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn công tác thi tốt nghiệp chung vào năm sau.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Về tuyển sinh đại học, Bộ trưởng cho hay cơ quan này đang xây dựng phương án. “Tuy nhiên, có một việc có thể làm ngay là hai đại học quốc gia, các đại học vùng cần bắt tay ngay vào củng cố, xây dựng một hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt, các đại học vùng sẽ đánh giá vai trò là các hạt nhân cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Hiện ở khu vực phía Nam, trong những năm gần đây, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đã có hàng chục trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, dù chỉ tiêu dành cho phương thức này của các trường ngoài hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khá khiêm tốn.

Kỳ thi sẽ phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh và năm 2022 có khả năng sẽ là năm giao thời, chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn công tác thi tốt nghiệp chung vào năm sau.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Ở phía Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức bài thi tư duy từ năm 2020. Từ năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội khởi động tổ chức lại bài thi đánh giá năng lực (đã tạm dừng từ năm 2017). Do còn khá mới nên cả hai kỳ thi này vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của các trường khác trong việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển…

Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, nhưng cần có sự kiểm soát chất lượng và ‘cầm trịch’ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.

“Trong bối cảnh hiện nay, các trường còn đang lúng túng với kỳ thi tuyển sinh đại học riêng, thiết nghĩ Bộ có thể hỗ trợ các trường đại học, điều chỉnh đề thi Kỳ thi tốt nghiệp trung hoc phổ thông hằng năm, để phục vụ tốt mục đích ‘hai trong một’, giúp các trường có thể yên tâm sử dụng điểm kỳ thi này để tuyển sinh đại học,” giáo sư Đức kiến nghị.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc phân tách hai mục tiêu này là hợp lý, trong đó Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể tổ chức nhẹ nhàng hơn, giao cho các địa phương và có thể thực hiện linh động hơn, còn tuyển sinh là sự tự chủ của các trường đại học./.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)
Phạm Mai
Phạm Mai