"Cai nghiện" chứng khoán

Nghiện chứng khoán: Thuốc đắng vẫn không dã tật

Thị trường khó lường, nhiều người đã khuynh gia bại sản, thề thốt "chia tay vĩnh viễn", nhưng họ vẫn không thể "cai" được "món" chứng khoán.
“Tôi bỏ công ty chứng khoán rồi, nghề này mất nhiều thời gian và áp lực lắm, về làm thầy giáo cho lành," anh Trường Sơn, Tiến sĩ kinh tế, Giám đốc Khối phân tích tại một công ty chứng khoán tầm trung gọi điện thông báo cho người bạn thân, đang là Phó giám đốc, Trưởng đại diện phía Bắc của một công ty chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cám dỗ lợi nhuận


Trong cuộc đối thoại diễn ra hồi đầu tháng 11/2010 này, hai người đàn ông than thở với nhau, thị trường chứng khoán vận động bất thường, lên thì không cần biết lý do mà xuống thì hết thảy các mã tốt, xấu thi nhau lao đầu trượt dốc. Giới chuyên gia phân tích, nhà quản trị dày dạn chinh chiến thị trường quốc tế về đến Việt Nam cũng phải bó tay.

Vậy mà chỉ hơn một tháng sau, khi hai người bạn này có dịp ngồi cà phê với nhau, anh Sơn lại quả quyết thông báo với bạn: “Tôi quay lại chứng khoán thôi, chủ tịch công ty vừa gọi điện thuyết phục mình về.”

Anh Sơn cho hay, nghỉ việc tưởng dứt được chứng khoán luôn để làm công việc khác nhưng thành thói quen ngày nào anh cũng mở bảng điện tử theo dõi diễn biến thị trường. Đi đâu, làm gì trong giờ giao dịch anh không thấy yên tâm.

Vẫn mắc hội chứng phân tích, anh Sơn nhìn thấy thị trường bắt đầu có chiều hướng tốt, vội vàng rút sổ tiết kiệm để "vào hàng." Đến gần trung tuần tháng Mười hai, cả ba mã cổ phiếu anh sở hữu đã cho khoản lợi nhuận đều vượt con số 30%. Theo tính toán thế là ổn, anh Sơn chốt lời kiếm được khoản tiền lớn.

Có lẽ đây là một trong những lý do kéo anh Sơn trở lại với nghề. Anh Sơn nói tâm đắc: “Lợi nhuận một đợt thu được bằng tới cả 5 năm lương ở cỡ trưởng phòng. Tôi suy nghĩ kỹ rồi, nếu không thể dứt áo rời bỏ thị trường thì quay lại công ty chứng khoán là hơn, mình sẽ có thuận lợi hơn trong việc theo dõi biến động thị trường hàng ngày.”

"Mất ở đâu tìm lại ở đó"

Năm 2010 là một năm không mấy thành công đối với nhiều thành viên trên thị trường từ công ty chứng khoán đến nhân sự công ty, rồi cả đội lái và nhà tư, đâu đâu trên thị trường cũng nghe được những lời than vãn và thở dài.

Nếu như hồi đầu năm, một số tay môi giới cừ khôi hay một số nhóm nhà đầu tư VIP còn hãnh diện tự nhận mình là thành viên của "đội lái" thì đến giữa năm, những nhóm “lái tàu, lái xe” này hầu như  đều bị mắc cạn nặng nhất.

Về cuối năm, thị trường gần như quên dần hai chữ “đội lái” và thậm chí cũng chẳng còn ai dám nhận mình “lái tàu” nữa.

Một nhân vật thuộc "đội lái" tâm sự: “Em bị kẹt hàng muốn thoát ra khỏi thị trường cũng không được, có bán hết tài sản cũng chưa đủ trả nợ công ty. Thôi cứ bám lấy thị trường, mới có cơ tìm được những gì đã mất.”

Cùng quan điểm trên, anh Vũ Quang Trung một nhà đầu tư tương đối lớn cho hay, năm 2008 anh mất rất nhiều vì chứng khoán. Mặc dù nhiều lúc cũng nản nhưng đã chót dấn thân và tâm huyết với nghề này nên anh Trung vẫn kiên trì bám trụ.

Năm 2009 thị trường phục hồi mạnh, anh Trung tăng cường đầu tư, sử dụng đòn bảy hết khả năng cho phép, chỉ tính riêng phí giao dịch của anh đã lên gần 2 tỷ đồng/năm. Song dòng tài chính lấy lại được trong năm đó đã lại ngót dần ở năm 2010.

“Những thứ mất ở thị trường chứng khoán chỉ có thể lấy lại ở thị trường chứng khoán. Khoản thâm hụt trong năm đã quay trở về tài khoản của tôi sau đợt thị trường tăng điểm cuối tháng Mười một, đầu tháng Mười hai,” anh Trung hoan hỉ nói trong dịp Tết Dương lịch 2011.

Tuy nhiên đối với chị Nguyễn Thị Hà thì may mắn dường như không nở nụ cười với chị, bắt đầu chơi chứng khoán từ năm 2007. Khi đó theo bạn bè lên sàn, đầu tư chứng khoán như thể lĩnh lương ngày. Bỏ cả công việc trưởng phòng marketing tại một công ty, chị Hà gắn bó luôn với sàn chứng khoán. Nhưng thị trường năm 2008 đã giáng cho chị “một đòn nhớ đời”, mất nhà, mất xe, mất luôn cả hạnh phúc gia đình. Chị Hà từng thề sẽ không bao giờ quay lại với thị trường chứng khoán.

Bẵng đi một thời gian không quan tâm đến thị trường, chị Hà chuyên tâm vào đầu tư bất động sản và vàng. Phải nói là năm 2010, chị đạt được những thành công rực rỡ. Không chỉ sắm lại tài sản mà chị còn dư dả một khoản vốn lớn.

“Cuối năm, tiền mặt đang nhàn rỗi thì bạn bè kháo thị trường chứng khoán có xu hướng tăng mạnh. Tôi ôm một mớ tiền nhảy vào thị trường, đến nay giá trị cổ phiếu trong tài khoản đã ngót hơn 20%. Tiếc của tôi chưa dám cắt lỗ. Lại khổ rồi, đúng là mình vẫn chưa cai được cái món… chứng khoán,” chị Hà buồn bã nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục